[NKĐD-SIGF 2024] P7: Đàn guitar cổ điển Hàn Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyên Phương (2024)


TÓM TẮT

Từ đầu thế kỷ XXI, các thương hiệu đàn guitar Hàn Quốc xuất hiện trên thị trường guitar nhập khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm guitar Hàn Quốc nhập khẩu rất đa dạng từ guitar cổ điển (classical guitar), guitar dây thép (acoustic guitar/ steel guitar) đến guitar điện (electric guitar), trải rộng trên các phân khúc từ sơ cấp đến trung cấp và cao cấp. Tại Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn[1] 2023 và 2024, nghệ nhân trẻ Kim Sang Gil (Hàn Quốc) đã tài trợ đàn guitar cổ điển cao cấp để trao giải thưởng cho thí sinh xuất sắc nhất Bảng thi mở rộng. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của công chúng Thành phố Hồ Chí Minh với đàn guitar cổ điển Hàn Quốc. Từ góc nhìn hậu hiện đại kết hợp với kiến thức nghệ thuật làm đàn guitar, bài viết này sẽ so sánh, bình luận về những ưu khuyết điểm của đàn guitar cổ điển Hàn Quốc và Việt Nam, qua đó đưa ra định hướng về quan hệ hợp tác văn hóa nghệ thuật Hàn – Việt trên phương diện sản xuất đàn guitar cổ điển.

Từ khóa: đàn guitar cổ điển, nghệ thuật làm đàn guitar cổ điển, đàn guitar cổ điển Hàn Quốc, đàn guitar cổ điển Việt Nam.

[1] Tên đầy đủ là “Saigon International Guitar Festival and Competitions” được tổ chức hằng năm từ năm 2014 đến nay tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020, 2021, 2022 bị hoãn do đại dịch Covid đến năm 2023 được tái tổ chức. Đây là sự kiện guitar cổ điển lớn nhất Việt Nam, thường kéo dài 4 ngày 5 đêm với chuỗi các hoạt động như: Cuộc thi guitar (gồm 5 hạng mục: độc tấu: dành cho người chuyên nghiệp, chuyên nghiệp dưới 18 tuổi, nghiệp dư không giới hạn tuổi và nghiệp dư dưới 13 tuổi; và hạng mục hòa tấu), guitar workshops (chia sẻ kinh nghiệm làm đàn và chọn đàn guitar của các nghệ nhân làm đàn Việt Nam và quốc tế), master classes (những buổi dạy đàn 1 kèm 1 kéo dài khoảng 45 phút, một nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế hướng dẫn kinh nghiệm cho một thí sinh tham dự cuộc thi guitar có nhu cầu trau dồi chuyên môn), triển lãm guitarbuổi hòa nhạc của các nghệ sĩ bậc thầy.   

1. Dẫn nhập

Từ những năm 1900, đàn guitar cổ điển xuất xứ từ Tây Ban Nha đã có mặt khắp các quốc gia trên thế giới (Victor Anand Coelho, 2003, tr.6). Sản xuất guitar cổ điển là một nghề giao thoa cả hai lĩnh vực nghệ thuật và thủ công, về sau được công nghiệp hóa quy trình sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm hơn cung ứng cho thị trường.

Nghề sản xuất guitar ở Việt Nam bắt đầu vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Cho đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định được chính xác thời điểm đàn guitar xuất hiện ở Việt Nam. Trong quyển Nam Kỳ và Cư dân các tỉnh miền Đông (La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Est) (1899), Bác sĩ dịch tễ học người Pháp J.C. Baurac có đề cập đến các nhạc cụ của người An Nam, sau đoạn mô tả đàn tam huyền, ông viết một câu “Sau đó là đàn lục huyền cầm lớn và nhỏ, khá giống với chúng ta” (J.C.Baurac, 2022, tr.64). Điều này khẳng định rằng nửa cuối thế kỷ XIX ở Việt Nam đã tồn tại đàn lục huyền cầm (đàn guitar 6 dây).Ở Hàn Quốc, theo dữ liệu hiện tại chúng tôi có được, lịch sử làm đàn ở Hàn Quốc bắt đầu bởi gia đình Uhm kể từ khi SangOk Uhm chế tạo cây đàn guitar đầu tiên của mình vào năm 1932 (Hong Sik Uhm, 2016). Sau đó là sự ra đời của các thương hiệu Cort (1960), Samick (1965), Peerless (1970s), Crafter (1972), Shine (1991),…

Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc từ sau 1975 trở nên khó khăn do chính sách cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ. Sau Đổi Mới 1986, khi Việt Nam thực hiện những chính sách mở cửa thì mối quan hệ Việt – Hàn dần trở nên tốt đẹp hơn. Đến ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước về các lĩnh vực chính trị – ngoại giao; kinh tế, thương mại và đầu tư; văn hóa, giáo dục, du lịch (Hải Minh, 2022).

Kể từ năm 2014 đến nay, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn (Saigon International Guitar Festival – SIGF), sự kiện Liên hoan âm nhạc guitar cổ điển lớn nhất cả nước, thu hút nhiều nhà sản xuất đàn guitar và người hâm mô guitar ở khu vực Châu Á đến tham dự. Tại sự kiện này, nghệ nhân làm guitar thủ công người Hàn Quốc Kim Sang Gil trở thành nhà tài trợ giải thưởng cho thí sinh đạt hạng nhất Bảng mở rộng (Open Category) năm 2023 và 2024, gây dấu ấn mạnh mẽ về đàn guitar “Made in Korea” trong cộng đồng những người hâm mộ guitar cổ điển Việt Nam.

2. Phân biệt đàn guitar cổ điển với các loại đàn guitar khác

Nghệ thuật guitar cổ điển phát triển từ thế kỷ XV đến nay, trải qua qua trình phát triển hơn 600 năm, hiện trên thế giới xuất hiện rất nhiều loại đàn guitar khác nhau. Nếu không phải người trong nghề biểu diễn và sản xuất đàn sẽ không thể phân biệt được hết các loại đàn guitar và công dụng của từng loại. Vì bài viết này đi sâu vào chủ đề “đàn guitar cổ điển” nên mục này được chúng tôi viết ra để phân biệt các loại đàn guitar thùng (không đề cập đến guitar điện) đang được bán trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

2.1. Đàn guitar cổ điển (classical guitar/ nylon guitar)

Đàn guitar cổ điển mà chúng ta biết hiện nay được sản xuất từ mẫu đàn guitar cải tiến của nghệ nhân – nghệ sĩ guitar người Tây Ban Nha là Antonio de Torres Jurado. Ông sở hữu một cửa hàng guitar ở Sevilla, từ đây ông thực hiện những sáng kiến của mình từ mẫu đàn guitar 6 dây thời kỳ Lãng Mạn (Romantic). Ông đã thực hiện một số thay đổi quan trọng, như tăng kích thước thân đàn guitar để giúp âm lượng to hơn, thiết kế gỗ mặt trước thùng đàn (có tác dụng như màng rung dao động tạo âm/ soundboard) rộng hơn và mỏng nhẹ hơn. Sự thay đổi quan trọng nhất mà Torres thực hiện đối với đàn guitar cổ điển là việc phát minh ra kiểu nan giằng hình quạt (fan-braced pattern), đây là dãy các thanh chống bằng gỗ dùng để gia cố phần tạo âm ở mặt trước thùng đàn, hỗ trợ độ căng của dây và giúp nhạc cụ không bị xẹp xuống khi bị lực căng dây tác động. Các thanh nan là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra âm thanh của đàn guitar, nên một số người còn gọi là “nan chỉnh âm”. Sau khi thử nghiệm thành công, Torres đã sản xuất một loạt đàn guitar từ xưởng Sevilla với thương hiệu Torres, đàn của ông được các nghệ sĩ guitar cổ điển “bậc thầy” (Maestro) nổi tiếng như Francisco Tárrega và Miguel Llobet tin dùng. Mặc dù những nghệ nhân thế hệ sau Torres thiết kế ra nhiều mẫu nan giằng mới như tablao của hãng Ramirez, lattice của Greg Smallman, hay dòng đàn mặt kép double top của Matthias Dammann,… Nhưng mẫu thiết kế của Torres vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho cả phân khúc đàn phổ thông và chuyên nghiệp.

Hình 1. Đàn guitar được Torres cải tiến từ đàn guitar 6 dây thời kỳ Lãng Mạn. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Internet.

Đàn guitar cổ điển sử dụng dây nylon, nhưng không hoàn toàn như thế. Trong sáu dây đàn, chỉ có ba dây cao (dây E1, B2, G3) sử dụng dây nylon trần, còn ba dây trầm (dây D4, A5, E6) có hai phần: phần lõi làm từ sợi lụa hoặc sợi nylon và phần vỏ kim loại là dây tơ kim loại (đồng, bạc, vàng, niken, v.v.) rất mỏng được quấn quanh lõi. Dây nylon tạo ra âm sắc đặc trưng của đàn guitar cổ điển là ấm áp, mềm mại, trong trẻo, rõ ràng, sạch sẽ, sâu sắc và dày dặn. Tuy vậy, đa phần âm sắc của đàn guitar cổ điển bị phụ thuộc nhiều vào gỗ làm đàn.

Gỗ làm thùng đàn guitar cổ điển thường phân thành hai nhóm gỗ làm đàn mặt trước (top) và gỗ làm đàn mặt sau và mặt bên (back and sides). Gỗ làm đàn mặt trước thường là gỗ của các cây lá kim, phổ biến nhất là tuyết tùng (red cedar) và vân sam (spruce). Gỗ làm đàn mặt sau và mặt bên thường là những loại gỗ nặng, có màu nâu sẫm như mahogany (gỗ gụ), rosewood (cẩm lai), ovangkol, walnut, ziricote, blackwood/ ebony (gỗ mun), nato (gỗ hồng đào) v.v. Tùy theo mức độ quý hiếm của gỗ để sản xuất những dòng đàn đại trà, trung cấp, cao cấp và siêu cao cấp. Đàn guitar càng cao cấp thì những tiêu chuẩn âm thanh mà chúng tôi liệt kê ở trên càng thể hiện đầy đủ, rõ nét.

Ở dòng đàn guitar đại trà giá rẻ, nhà sản xuất cũng sử dụng những loại gỗ ván ép (plywood) và gỗ ép (laminate wood) để tăng lợi nhuận. Gỗ ván ép có nguồn gốc từ những loại gỗ tạp chất lượng không tốt được ghép với nhau bằng keo để tạo thành một miếng gỗ, sau đó dán ngoài hai mặt lớp phủ bằng gỗ rất mỏng (veneer). Gỗ ép có chất lượng tốt hơn gỗ ván ép, cấu tạo gồm ba lớp, hai lớp ngoài mặt là gỗ nguyên tấm (solid wood) rất mỏng, lớp giữa dày là loại gỗ nguyên tấm có giá thành rẻ hơn hoặc ít quý hiếm hơn. Chẳng hạn, khi thông số đàn guitar để “laminate rosewood”, ta hiểu là có hai lớp gỗ cẩm lai rất mỏng kẹp một loại gỗ rẻ tiền hơn ở giữa, nhìn bên ngoài vẫn là vân gỗ cẩm lai quý hiếm, nhưng cho âm thanh không hay bằng gỗ cẩm lai nguyên tấm (solid rosewood). Một số nhà sản xuất không đề chữ “laminate” mà chỉ đề tên gỗ như “mahogany”, “rosewood”, ta cũng ngầm hiểu là gỗ ép, vì những dòng đàn cao cấp sản xuất từ gỗ nguyên tấm luôn được đề chữ “solid” phía trước tên gỗ, như “solid Indian rosewood”.

2.2. Đàn guitar Flamenco (Flamenco guitar)

Song song với sự phát triển của đàn guitar cổ điển, đàn guitar Flamenco được sản xuất để phục vụ các nghệ sĩ trình diễn phong cách âm nhạc dân gian Flamenco của Tây Ban Nha. Đàn guitar Flamenco có ngoại hình và kích thước giống với guitar cổ điển, nhưng khác về loại gỗ làm mặt sau và mặt bên (back and sides) thùng đàn và loại dây nylon được sử dụng.

Phong cách âm nhạc Flamenco nổi bật ở những câu chạy nốt rất nhanh, những hợp âm rải bằng kỹ thuật rasgueado dứt khoát, gọn và sạch. Vì vậy đàn guitar Flamenco cũng đòi hỏi những âm sắc đặc trưng là khô, giòn nhưng phải chắc chắn, dày dặn, từng âm vang lên gãy gọn và sạch sẽ. Về màu sắc, đàn guitar Flamenco có gỗ thùng mặt bên và mặt sau (back and sides) làm từ các loại gỗ nhẹ, có màu vàng óng như maple (gỗ thích), cypress (gỗ bách). Ngoài màu vàng óng đặc trưng, có những cây guitar Flamenco được nhuộm lớp vec-ni (varnish) màu đỏ, trông rực rỡ như màu áo của những nữ vũ công Digan.

Hình 2. Đàn guitar flamenco thương hiệu Alhambra. Nguồn: alhambraguitarras.com

2.3. Đàn guitar acoustic (acoustic guitar/ steel guitar/ modern guitar)

Loại đàn guitar acoustic là một trường hợp cải tiến khác của mẫu đàn guitar 6 dây (six-tring guitar) của Thời kỳ âm nhạc Lãng Mạn bởi nhà làm đàn người Hoa Kỳ gốc Đức Christian Frederick Martin (1796 – 1873). Ông được cho là người đầu tiên làm ra hệ nan giằng chữ X (X-bracing/ X-braced guitar) vào năm 1842 đến 1843, phương pháp xếp nan giằng này sẽ giúp mặt đàn guitar chịu được lực căng do dây thép tạo ra. Bắt đầu từ thương hiệu Martin & Co., những cây đàn guitar có hệ nan giằng chữ X đã trở thành một đặc điểm nổi bật của guitar acoustic.

Hình 3. Đàn guitar acoustic dây thép hiệu Martin năm 1842 với hệ nan giằng X. Nguồn: Internet.

Điểm khác biệt lớn nhất để phân biệt với đàn guitar cổ điển và flamenco, là guitar acoustic là sử dụng dây thép, mỗi thương hiệu dây đàn sử dụng loại hợp kim khác nhau, ba dây cao (dây E1, B2, G3) là các dây thép mỏng, ba dây trầm (dây D4, A5, E6) có vỏ dây tơ kim loại quấn quanh lõi thép, lõi dây trầm thường có hai loại lõi tròn (round core) và lõi lục giác (hexagonal core) (Strings Direct, 2023). Dây thép tạo tính chất âm thanh kim khí, khác hẳn so với dây nylon, đó là âm sắc sáng, đanh, rộn ràng.

Điểm khác biệt thứ hai là cần đàn (neck) guitar acoustic hẹp hơn cần đàn guitar cổ điển và flamenco. Chiều rộng lược đàn (nut width) guitar acoustic từ 43mm – 45 mm, trong khi chiều rộng lược đàn guitar cổ điển và flamenco từ 49mm – 52mm.

Điểm khác biệt thứ ba là kỹ thuật tay phải, vì dây thép dễ làm trầy xước móng tay nên người chơi guitar thường sử dụng phím gảy hoặc móng nhựa để hỗ trợ. Đối với các thể loại nhạc nhẹ như jazz, pop, rock, country,… người chơi đàn thường sử dụng phím gảy (pick) để đánh vào dây. Khi trình diễn độc tấu theo phong cách fingerstyle, người chơi đàn thường sử dụng loại móng gảy bằng nhựa gắn vào các đầu ngón tay (finger picks).

Điểm khác biệt thứ tư là khóa chỉnh dây đàn (turning machines), đàn guitar cổ điển và flamenco sử dụng khóa liền, mỗi bên ba khóa gắn liền với nhau; còn đàn guitar acoustic sử dụng sáu khóa chỉnh dây rời.

Hình 4. So sánh khóa chỉnh dây của đàn guitar cổ điển và guitar acoustic. Nguồn: tác giả tổng hợp từ Internet.

Mặc dù công dụng của từng loại đàn guitar là khác nhau, nhưng đa số người chơi nhạc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thường sử dụng đa mục đích trên nhạc cụ guitar mà họ sở hữu, như dùng móng gảy để đệm hát trên đàn guitar cổ điển hoặc đàn flamenco, hoặc dùng guitar cổ điển đánh fingerstyle, ngược lại, dùng đàn guitar acoustic chơi nhạc cổ điển; dùng đàn guitar Flamenco để chơi nhạc cổ điển và dùng đàn guitar cổ điển để chơi nhạc Flamenco,…

3. Các phương thức nhập khẩu đàn guitar cổ điển Hàn Quốc vào Thành phố Hồ Chí Minh

Đàn guitar Hàn Quốc tiến vào thị trường Việt Nam qua 4 phương thức: 1/ cá nhân tự nhập khẩu, 2/ doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu kinh doanh, 3/ đàn xách tay từ Hàn Quốc, 4/ nhập khẩu đàn cũ ở các bãi phế liệu theo kiện container. Hình thức vận chuyển được bên mua và bên bán thỏa thuận theo các quy tắc thương mại quốc tế trong International Commerce Terms (Incoterms), được ban hành bởi Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC).

Con đường cá nhân tự nhập khẩu guitar bắt đầu từ khi thương mại điện tử phát triển, khách hàng đam mê guitar sống tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể lên website của nhà sản xuất guitar Hàn Quốc hoặc các website thương mại điệu tử như Amazon, Epay để đặt hàng và vận chuyển về Việt Nam. Người mua đàn nhập khẩu phải chịu thêm một số khoản phí như phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

Con đường nhập khẩu guitar qua các doanh nghiệp kinh doanh nhạc cụ Việt Nam, có thể kể đến trường hợp doanh nghiệp Việt Thương thành lập năm 1996, các mặt hàng guitar cổ điển của Việt Thương đa dạng về thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Năm 2019 Việt Thương bắt đầu kinh doanh nhạc cụ thương hiệu Samick của Hàn Quốc. Công ty nhạc cụ Samick thành lập năm 1958 bởi Hyo Ick Lee, năm 1960 công ty sản xuất những cây đàn Upright Piano đầu tiên mang thương hiệu Samick, đến năm 1965, Samick bắt đầu sản xuất đàn guitar bên cạnh mặt hàng chính là piano. Nhãn hiệu guitar trực thuộc công ty Samick phổ biến ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh là Greg Bennet có cả mặt hàng guitar acoustic (dây kim loại – steel guitar) và mặt hàng guitar cổ điển biến thể cutaway (dây nylon – cutaway classical guitar). Ngoài Việt Thương, một số cửa hàng nhạc cụ và trường âm nhạc tư thục khác cũng nhập khẩu guitar Greg Bennet để kinh doanh. Giá bán đàn guitar mới được nhập khẩu bởi các doanh nghiệp Việt Nam thường tương đương với giá của hãng sản xuất đưa ra, được quy đổi ra đơn vị tiền tệ Việt Nam theo tỉ giá hối đoái.

Con đường nhập khẩu đàn xách tay từ Hàn Quốc xảy ra hai trường hợp: 1/ bạn bè, người thân mua từ Hàn Quốc mang về Việt Nam; 2/ các nghệ nhân Hàn Quốc xách tay sang Việt Nam để tham gia triển lãm tại các kỳ Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn (Saigon International Guitar Festival).

Còn lại là con đường nhập khẩu đàn cũ, hay còn gọi là “guitar bãi” thường theo kiện container, một kiện hàng có rất nhiều loại đàn sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau đó các nghệ nhân, thợ sửa đàn tiến hành tuyển chọn những cây đàn tốt còn sử dụng được và sửa chữa những cây đàn hư hỏng để bán ra thị trường, tùy theo mức độ mới và cũ, thương hiệu nổi tiếng và không nổi tiếng, chất lượng âm thanh tốt hay dở mà được người bán phân định các mức giá khác nhau.

4. Đàn guitar cổ điển Hàn Quốc phân khúc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh

Đàn guitar cổ điển “phân khúc phổ thông” dùng để chỉ các loại đàn dành cho người học guitar cổ điển bậc sơ cấp và trung cấp, cũng có thể phục vụ nhu cầu giải trí của những người chơi đàn không chuyên. Đây cũng là những cây đàn guitar Hàn Quốc mới được các doanh nghiệp, các cửa hàng nhạc cụ nhập khẩu về Việt Nam thuộc thương hiệu Samick và nhãn hiệu Greg Bennett thuộc Samick. Đặc điểm chung của những loại đàn này là giá rẻ được niêm yết tại các đại lý từ hơn 2.000.000 đến dưới 4.000.000 đồng (Việt Thanh, 2024), chủ yếu hướng đến đối tượng học sinh – sinh viên và người dùng phổ thông. Với mức giá bình dân, đàn guitar phân khúc phổ thông thường được sản xuất hàng loạt theo quy trình công nghiệp, loại gỗ làm đàn dùng trong phân khúc phổ thông thường là gỗ ép được xử lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Điểm mạnh của các dòng đàn nhập khẩu Hàn Quốc trong phân khúc phổ thông là có độ bền cao, âm thanh đáp ứng tiêu chuẩn về cao độ; lực căng dây ổn định; chất âm sạch, rõ, sắc nét. Điểm yếu là âm thanh nhỏ, không vang xa, thiếu độ sâu và dày, vì vậy hiệu quả diễn đạt cảm xúc không cao. Mặc dù có những khuyết điểm, nhưng đàn guitar Hàn Quốc phân khúc phổ thông đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để luyện tập và biểu diễn. Hơn nữa, giá cả đàn guitar Hàn Quốc nhập khẩu được đăng công khai trên trang thông tin điện tử các cửa hàng nhạc cụ Việt Nam, giúp khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin về giá và thông số kỹ thuật sản phẩm, không phải lo lắng vấn đề mặc cả và chất lượng hàng hóa.

Đối thủ cạnh tranh của đàn guitar Hàn Quốc phân khúc phổ thông là dòng guitar C của thương hiệu Yamaha của Nhật Bản và dòng đàn guitar nội địa Việt Nam ở phố Nguyễn Thiện Thuật. Dòng C của Yamaha có giá thành từ khoảng 3.000.000 đến 4.500.000 đồng, cấu hình gỗ ép tương tự như dòng đàn guitar phổ thông của Hàn Quốc, cần đàn của Yamaha luôn mang lại cảm giác cầm nắm tốt hơn, tuy nhiên âm thanh dòng C Yamaha có phần bị thiếu độ vang hơn đàn Hàn Quốc, ngoại trừ model C80 có chất lượng âm thanh tốt hơn với mức giá khoảng 4.500.000 đồng (Nhạc cụ Tiến Đạt, 2024).

Đối thủ còn lại của guitar Hàn Quốc là dòng đàn guitar phổ thông nội địa Việt Nam ở phố Nguyễn Thiện Thuật, những cây đàn Việt giá rẻ hơn 2.000.000 thường làm từ gỗ ván ép có lớp sơn dày và bóng bẩy đến mức không thấy được vân gỗ, chất lượng âm thanh thường không tốt, cao độ không chuẩn và có độ bền thấp. Những cây đàn Việt giá từ 3.000.000 đến 4.000.000 được sản xuất từ gỗ nguyên tấm (solid wood) nội địa như gỗ thông ở mặt trước; gỗ hồng đào hoặc gỗ bằng lăng ở mặt sau và mặt bên, những cây đàn này cho âm thanh tốt, đáp ứng cả tiêu chuẩn sâu và dày. Tuy nhiên với số lượng hơn 20 cửa hàng trên phố Nguyễn Thiện Thuật, mà tay nghề làm đàn của các nghệ nhân cũng khác nhau, giá bán đàn ở mỗi cửa hàng cũng chênh lệch với nhau ít nhiều, nên việc lựa chọn một cây đàn Việt ưng ý trong tầm giá dưới 4.000.000 là rất khó khăn đối với những khách hàng lần đầu tiên đi mua đàn guitar.

5. Đàn guitar cổ điển Hàn Quốc phân khúc chuyên nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh

Đàn guitar cổ điển “phân khúc chuyên nghiệp” là dòng đàn cao cấp, siêu cao cấp phục vụ cho nhu cầu của những người biểu diễn chuyên nghiệp, ngoài ra, dòng đàn này cũng phục vụ đam mê của các nhà sưu tầm đàn. Những cây đàn guitar “phân khúc chuyên nghiệp” thường do nghệ nhân lành nghề (luthier) sản xuất thủ công (handmade guitar), nhãn đàn (label) đề tên nghệ nhân và chữ ký, số serie đàn, năm sản xuất và xuất xứ. Một số thương hiệu guitar nổi tiếng cũng có sản xuất dòng đàn cao cấp (grand concert), nhãn đàn sẽ đề tên thương hiệu nổi tiếng, tên nghệ nhân, số serie, năm sản xuất, xuất xứ. Dòng đàn cao cấp được làm từ những loại gỗ quý hiếm, được tuyển chọn kỹ lưỡng, kỹ thuật chế tác tinh xảo, âm thanh đạt tiêu chuẩn được giới chuyên môn công nhận, vì vậy giá thành cao hơn đàn guitar cổ điển “phân khúc phổ thông” rất nhiều.

Những cây đàn guitar Hàn Quốc cao cấp thường được nhập khẩu qua con đường xách tay, cá nhân tự nhập khẩu và các kiện đàn guitar bãi cũ. Ngoại trừ trường hợp đàn guitar bãi cũ, các phương thức nhập khẩu đàn guitar cao cấp khác đều là đàn mới sản xuất. Đối với trường hợp cá nhân tự nhập khẩu đàn về Việt Nam, khách hàng sẽ có quyền lựa chọn mẫu đàn và thông số kỹ thuật mong muốn trên trang thông tin điện tử của nhà làm đàn, họ có thể thỏa thuận với nghệ nhân về loại gỗ làm đàn, về loại khóa chỉnh dây được sử dụng, về màu sắc và các hoa văn trang trí, về một số biến thể khác như tăng số lượng dây đàn hoặc làm thùng đàn cutaway,… và phải đồng ý chấp nhận những khoản phí phát sinh từ yêu cầu của họ.

Còn đối với trường hợp đàn guitar cao cấp xách tay từ Hàn Quốc đến Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại chỉ có ở sự kiện Liên hoan Guitar quốc tế Sài Gòn (Saigon International Guitar Festival – SIGF), sự kiện guitar cổ điển lớn nhất Việt Nam, mỗi năm được tổ chức một lần tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Kể từ năm 2018, khi cuộc thi guitar tại SIGF mở rộng ra quy mô Đông Nam Á, sự kiện đã thu hút nhiều nhà làm đàn guitar cổ điển nổi tiếng ở khu vực Đông Bắc Á đến tham gia triển lãm và tài trợ giải thưởng cho cuộc thi như Altamira (Trung Quốc) tài trợ giải nhất Bảng mở rộng SIGF 2018, Sakurai (Nhật Bản) tài trợ giải nhất Bảng mở rộng SIGF 2019, Jeong Gug Guitar (Hàn Quốc) của nghệ nhân Kim Jeong Guk và con trai – nghệ nhân Kim Sang Gil tài trợ giải nhất Bảng mở rộng SIGF 2023 và 2024.

Thương hiệu Jeong Gug Guitar đến tham dự sự kiện SIGF từ năm 2018, nghệ nhân Kim Jeong Guk và Kim Sang Gil đã trưng bày sản phẩm và tổ chức nhiều buổi workshops về guitar cổ điển tại SIGF để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất guitar thủ công với khách tham quan SIGF và học sinh – sinh viên guitar Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Đến SIGF 2023 và 2024, sau Đại dịch Covid-19, hoạt động trưng bày guitar không còn mạnh mẽ như trước, chỉ có những nghệ sĩ guitar cổ điển trong nghề mới được chạm vào những cây đàn trao giải của Kim Sang Gil mang đến SIGF. Mặc dù đàn guitar của nghệ nhân Kim Sang Gil tài trợ giải nhất Bảng mở rộng, nhưng nhiều khách than quan không được tận tay thử đàn Hàn Quốc, điều này làm nảy sinh lòng hiếu kỳ đối với chất lượng guitar Hàn Quốc của khách mới đến sự kiện SIGF sau Covid-19. Những người yêu guitar ở Thành phố Hồ Chí Minh thường đặt ra câu hỏi là đàn Hàn Quốc của Kim Sang Gil có chất lượng và âm thanh như thế nào so với đàn nghệ nhân Việt Nam. Đến ngày bế mạc trao giải thưởng SIGF 2024 (1/9/2024), nhiều khách Việt còn tiếp cận cây đàn Hàn Quốc trị giá 3.000 USD sắp được trao cho thí sinh giải nhất Bảng mở rộng để quan sát kỹ lưỡng và chụp ảnh làm tư liệu cá nhân.

Hình 5. Hình ảnh cây đàn Kim Sang Gil (2024) trước khi được nghệ nhân trao tặng cho thí sinh Vương Quốc Anh đạt giải nhất Bảng mở rộng SIGF được chụp bởi người hâm mộ guitar ở TP.HCM ngày 1/9/2024. Nguồn: Kim Tran.

6. So sánh đàn guitar cổ điển Hàn Quốc và Việt Nam trong phân khúc chuyên nghiệp

Khoảng 10 năm trở lại đây, việc so sánh đàn ngoại và đàn Việt đã trở nên phổ biến trong cộng đồng những người yêu đàn guitar Việt Nam, nhân vật tiêu biểu trong hoạt động so sánh đàn là Nghệ sĩ Vũ Hiển, người sáng lập Emotion Guitar ở Hà Nội, Vũ Hiển thường làm những video so sánh đàn trên Youtube theo tiêu chí mức giá, thương hiệu bằng cách chơi cùng một bản nhạc trên nhiều cây đàn khác nhau để người xem video lắng nghe âm thanh và tự nhận định. Có thể nói rằng, so sánh đàn bằng âm thanh để người nghe tự nhận xét đơn giản hơn so sánh bằng cách diễn đạt ra câu từ rất nhiều, một bài viết so sánh hơn kém trong nghệ thuật nói chung, kể cả nghệ thuật làm đàn guitar cổ điển thủ công là một điều rất tế nhị. Khi nhìn nhận từ góc độ văn hóa, ta có thể hiểu văn hóa là những sự lựa chọn, một cây đàn được sản xuất cũng mang theo sự lựa chọn của từng nghệ nhân trong tư duy thẩm mỹ và những nền văn hóa mà họ được thụ hưởng.

Nếu buộc phải so sánh đàn guitar cổ điển Hàn Quốc và đàn guitar cổ điển Việt Nam thì chúng tôi cần phải giới hạn trong phân khúc đàn guitar chuyên nghiệp, đây là dòng đàn hội đủ tinh hoa của kỹ thuật làm đàn thủ công, mỗi cây đàn chuyên nghiệp là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ cả về ngoại hình lẫn âm thanh, và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của giới chuyên môn biểu điễn guitar cổ điển. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn ra những tiêu chí so sánh cơ bản như: tiểu sử và độ tuổi của nghệ nhân làm đàn, loại gỗ làm đàn, ngoại hình đàn, cảm giác cầm nắm và chất lượng âm thanh.

Trước hết, về tiểu sử và độ tuổi nghệ nhân làm đàn, chúng tôi nhận thấy nghệ nhân Kim Sang Gil (1983) và nghệ nhân Trần Đình Vũ (1987) có độ tuổi tương đương, họ là thế hệ nghệ nhân trẻ được thừa hưởng tinh hoa nghệ thuật làm đàn guitar của các thế hệ trước của hai quốc gia. Không những thế, họ từng cùng nhau tham dự Liên hoan guitar Quốc tế Sài Gòn (SIGF) và nhiều sự kiện Liên hoan guitar ở khu vực Đông Nam Á để giới thiệu sản phẩm đàn thủ công. Tại các kỳ liên hoan, họ đã tổ chức những buổi workshop giới thiệu guitar và cùng nhận được nhiều lời nhận xét, góp ý của những bậc thầy biểu diễn guitar nổi tiếng là khách mời của các kỳ Liên hoan.

Kim Sang Gil làm quen với việc chơi guitar cổ điển vào năm 1995, được cha anh là Kim Jeong-guk làm quen với việc chế tạo guitar cổ điển vào năm 2006. Ông Kim Jeong-guk tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Seoul, ông đam mê nghề làm đàn thủ công, đã tham gia nhiều Liên hoan quốc tế guitar cổ điển và triển lãm nhạc cụ hàng năm năm ở Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, v.v. Kim Sang Gil nhận được sự truyền dạy từ cha, anh đã tham gia Liên hoan Guitar Quốc tế Daejeon hàng năm kể từ năm 2009 và Liên hoan Guitar Quốc tế Bắc Kinh vào năm 2011. Không dừng lại ở đó, anh đã học sản xuất nhạc cụ dây ở Malaga, Tây Ban Nha năm 2013. Nhận Chứng chỉ Sản xuất Violin từ Maestro Jose Angel Chacon Luthiers Classic Guitar. Năm 2014 anh đã tham gia GuitarFair ở Malaga, Tây Ban Nha (Kim Sang Gil, 2024). Từ năm 2018 đến nay, anh đã cùng cha đến Việt Nam tham gia Liên hoan Guitar quốc tế Sài Gòn (SIGF).

Về phía các nhà làm đàn Việt Nam, đến tham dự triển lãm và tài trợ sự kiện Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn (SIGF) có nghệ nhân trẻ Trần Đình Vũ đến từ Đà Lạt. Xuất thân từ một nhà thiết kế đồ họa có óc thẩm mỹ cao, Vũ đã tự tìm tòi học hỏi nghề sản xuất guitar, sau đó chuyển hướng sang nghề sản xuất guitar thủ công với thương hiệu Tran. Vũ đã làm quen với nhiều giảng viên, nghệ sĩ guitar ở các Học viện âm nhạc của Việt Nam và trên thế giới, anh không ngừng cải tiến chất lượng âm thanh và kiểu dáng đàn Việt Nam khi nhận được sự góp ý tận tình từ những nghệ sĩ guitar bậc thầy. Đàn của Vũ được học sinh – sinh viên và các giảng viên chuyên ngành Guitar cổ điển Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, cùng cộng đồng người hâm mô guitar cổ điển Việt Nam lựa chọn sử dụng. Đến với SIGF 2023 và 2024, Vũ tài trợ 2 cây đàn giải thưởng cho thí sinh đạt giải nhất Bảng dưới 18 tuổi (Junior Category) và giải nhất Bảng không chuyên (Local Category), mỗi cây đàn trao giải trị giá 30.000.000 đồng.

Standee quảng cáo hai nhà tài trợ Kim Sang Gil (Hàn Quốc) và Trần Đình Vũ (Việt Nam) tại SIGF 2024

Việc nhận xét, đánh giá đàn Hàn Quốc của Kim Sang Gil và đàn Việt Nam của Trần Đình Vũ phụ thuộc vào cách tiếp cận, sự trải nghiệm, vốn kiến thức âm nhạc và vốn văn hóa của mỗi người chơi đàn. Nếu buộc phải so sánh tốt và không tốt, hay và dở, thì bản thân tác giả bài viết này, người đã sở hữu cả đàn của Kim Sang Gil (model 2018) và đàn của Trần Đình Vũ (No.232 và Artist No.9) cũng không thể trả lời đàn của ai tốt hơn.

Về loại gỗ làm đàn, tại Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn 2023 và 2024, Kim Sang Gil và Trần Đình Vũ chọn loại gỗ làm đàn giống nhau, cũng là những loại gỗ làm đàn cao cấp mà các thương hiệu guitar nổi tiếng trên thế giới lựa chọn. Nhưng Kim và Vũ lựa chọn hệ nan giằng ở mặt trước (soundboard) khác nhau, Kim chọn hệ nan giằng hình quạt (fan-braced pattern), trong khi Vũ chọn hệ nan giằng lattice.

Bảng 1. Loại gỗ làm đàn guitar được nghệ nhân Hàn Quốc và Việt Nam sử dụng làm đàn trao giải thưởng tại SIGF 2023 và 2024

Các bộ phận của đàn guitar cổ điển

Loại gỗ làm đàn guitarHàn Quốc và Việt Nam tại SIGF 2023

Loại gỗ làm đàn guitar

Hàn Quốc và Việt Nam

tại SIGF 2024

Mặt trước (top) solid spruce (vân sam) solid red redar (tuyết tùng)
Mặt lưng và bên (back and sides) solid Indian rosewood (cẩm lai Ấn Độ) solid Indian rosewood (cẩm lai Ấn Độ)
Mặt phím đàn (fingerboard) Ebony (gỗ mun) Ebony (gỗ mun)
Ngựa đàn (bridge) Indian rosewood (cẩm lai Ấn Độ) Indian rosewood (cẩm lai Ấn Độ)
Cần đàn (neck) Mahogany (gỗ gụ) Mahogany (gỗ gụ)

Về ngoại hình, đàn của Kim và Vũ đều có kiểu dáng rất đẹp, thủ công tinh xảo, trau chuốt từng đường nét nhỏ nhất. Đàn của Kim trông to khỏe và cứng cáp, trong khi đàn của Vũ trông thon gọn và mảnh mai. Về cảm giác cầm nắm, cả hai thương hiệu đều cho cảm giác chạm phím ở tay trái rất tốt và chắc chắn, đàn của Kim cần đàn hơi dày và to hơn đàn Vũ. Sơ lược về ngoại hình và cảm giác cầm nắm, có thể nhận thấy Kim Sang Gil làm đàn guitar theo vóc dáng người Đông Bắc Á và những người có chiều cao từ 160cm trở lên, đối với người Việt Nam với vóc dáng nhỏ bé hơn (dưới 160cm) sẽ cảm thấy đàn Kim hơi to một chút; trong khi Trần Đình Vũ rất rành rọt về vóc dáng của người Việt, đàn của Vũ làm ra giống như là “đo ni đóng giày” cho người Việt sử dụng.

Về âm thanh, cả đàn của Kim và Vũ đều đạt những tiêu chuẩn âm thanh cơ bản, sự canh chỉnh tỉ mỉ của các nghệ nhân giúp sản phẩm không bị những lỗi vặt như âm thanh bị rè, âm lượng các dây không đều nhau, cao độ không chuẩn. Cả hai thương hiệu đàn đều cho những trải nghiệm hoàn hảo về âm thanh. Nếu xét về chất âm, đàn của Kim Sang Gil cho âm thanh mỏng hơn, nhưng trong, sạch và rõ ràng hơn, phù hợp để diễn tấu những tác phẩm có kỹ thuật hợp âm rải, những câu chạy nốt tốc độ cao; nhược điểm là hiệu quả biểu cảm những bài tốc độ chậm không sâu. Đàn của Vũ do chọn hệ nan lattice mới nên cho âm thanh to hơn, dày dặn hơn, ngân dài hơn, cũng vì thế mà hợp với những bài chậm và nhanh vừa, nhược điểm là khi diễn tấu bài quá nhanh, âm thanh ngân dài sẽ bị hiện tượng âm trước và sau chồng lấn lên nhau, nếu không kiểm soát tốt động tác chặn dây ở tay phải thì màn biểu diễn sẽ có rất nhiều tạp âm hỗn độn.

Nhìn chung, Kim Sang Gil và Trần Đình Vũ là những nhà làm đàn trẻ và tương lai phát triển sự nghiệp của họ vẫn còn tiến xa hơn nữa. Âm thanh của đàn guitar Hàn Quốc và Việt Nam chứa đựng tâm thức văn hóa của nghệ nhân làm đàn, những nhận xét mà tác giả là “nhược điểm” xuất phát từ góc nhìn của tác giả, nhưng xét trong một hoàn cảnh, điều kiện về không gian và thời gian thì đó không hẳn là nhược điểm. Đàn của Kim Sang Gil có âm thanh mỏng hơn, trong trẻo hơn, nếu xét trong tương quan với giọng nói của người Hàn Quốc và trào lưu K-pop thì lại rất hợp lý, giọng nói của người Hàn Quốc thường nhẹ nhàng, mềm mại, còn âm nhạc K-pop thì nhịp độ nhanh và giọng hát của ca sĩ rất nhẹ nhàng, thuần khiết. Đàn của Vũ thì âm dày dặn, khai thác chiều sâu, diễn tấu chậm sẽ rất truyền cảm, nếu liên tưởng đến những bài hát ru, những bản dân ca Việt Nam, hay những tình khúc nhạc vàng trước 1975, đều là nhịp độ chậm và giọng hát của người Việt luôn đòi hỏi sự sâu lắng, nội lực, tròn vành rõ chữ. Do đó, âm thanh của đàn guitar của như giọng nói, giọng hát của mỗi dân tộc, đó là cái “hồn” mà người nghệ nhân làm đàn truyền tải vào mỗi cây đàn guitar mà họ tạo ra.

7.  Kết luận

Nghề sản xuất đàn guitar cổ điển có thể ví như một làn sóng ngầm, nó không ồn ào, sôi nổi như những phong trào âm nhạc đại chúng, nhưng nó âm thầm lan rộng, len lỏi vào tâm hồn của mỗi con người yêu thích, mong muốn tiếp cận và thưởng thức nghệ thuật guitar cổ điển. Nếu đặt ra nghi vấn về sức sống của nghệ thuật guitar cổ điển, và tương lai nghề nghiệp của các nghệ nhân làm đàn thì có thể nói rằng không có điểm dừng, bởi vì chỉ xét riêng một kỳ Liên hoan guitar SIGF 2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh (chưa kể Hà Nội, khắp Việt Nam và ở các quốc gia khác) đã có hơn 100 nghệ sĩ biểu diễn, hơn 2000 lượt khán giả, có khoảng 100 thí sinh tham gia các hạng mục dự thi. Con số này sẽ tăng lên nhiều lần nếu xét theo cấp độ khu vực, châu lục và toàn cầu.

Đàn guitar Hàn Quốc trong phân khúc phổ thông đã thể hiện tính cạnh tranh rất tốt ở thị trường Việt Nam, đó là việc họ nắm bắt tâm lý khách hàng Việt, ưa chuộng sản phẩm bền, tốt, chất lượng tiêu chuẩn với mới giá bình dân. Riêng đối với đàn guitar Hàn Quốc ở phân khúc chuyên nghiệp, có thể nói là thủ công tinh tế và nghệ thuật cao từ hình thức đến nội dung, nhưng để thu hút khách hàng Việt Nam cần phải có một số sự điều chỉnh cần thiết để phù hợp với tầm vóc và thị hiếu người Việt. Bên cạnh đó, mức giá của phân khúc guitar chuyên nghiệp Hàn Quốc cũng cần phải điều chỉnh hợp lý hơn, vì các đối thủ nổi tiếng đến từ Tây Ban Nha như Cordoba, Alhambra đã đến Việt Nam và cho ra đời những sản phẩm có cùng cấu hình gỗ làm đàn với dòng guitar cao cấp của Hàn Quốc với mức giá chỉ khoảng 45.000.000 đồng (khoảng 2.000 USD) (Trùng Dương Music, 2020). Do đó, tâm lý thông thường của một người Việt sẽ thích một sản phẩm mang thương hiệu Châu Âu với mức giá 2.000 USD hơn là một sản phẩm mang thương hiệu Châu Á với mức giá 3.000 USD.

Từ phần phân tích âm thanh đàn guitar Hàn Quốc và Việt Nam mà tác giả đã nêu ở trên, có thể nhận thấy ưu điểm của đàn Hàn Quốc là khuyết điểm của đàn Việt Nam, và ngược lại. Nếu xét về phương diện bản sắc văn hóa, thì đặc trưng âm thanh của mỗi cây đàn mang chất “căn tính” chứ không thể gọi là “khuyết điểm”. Tuy nhiên, đàn guitar cổ điển là một sản phẩm của văn hóa Châu Âu, là công cụ để trình diễn âm nhạc cổ điển phương Tây. Để đưa ra được nhận xét về ưu và khuyết điểm, chúng tôi không chỉ xét ở phạm vi cục bộ với đàn guitar của hai nước mà cần xét tương quan với đàn guitar của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như José Ramírez (Tây Ban Nha), Hauser và Hanika (Đức), và nghệ nhân đương đại Stepan Connor (Hoa Kỳ). Những cây đàn chuyên nghiệp của các nghệ nhân hàng đầu thế giới luôn có đặc điểm âm thanh sâu dày, nội lực, ấm áp, sạch sẽ, trong trẻo, sắc nét. Nếu cần một tầm nhìn xa hơn để phát triển kỹ thuật làm đàn guitar của Việt Nam và Hàn Quốc, thì việc ưu tiên là các nghệ nhân hai nước cần học hỏi lẫn nhau để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo nhất mang đầy đủ ưu điểm của những cây đàn guitar đẳng cấp quốc tế. Định hướng xa hơn là các nghệ nhân trẻ cần tham dự nhiều kỳ liên hoan hơn, không ngừng cải tiến công nghệ và chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nghệ nhân hàng đầu thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hải Minh. (2022). Kỷ niệm 30 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc. Báo điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn/ky-niem-30-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-viet-nam-han-quoc-102221201215751976.htm

Hong Sik Uhm. (2016). ​Uhm Guitar: The history of Korean guitar makers, since 1932 [Commercial website]. Uhm Guitar. https://guitar495.wixsite.com/uhmguitar-en

J.C.Baurac. (2022). Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông (Huỳnh Ngọc Linh, B.d.v; ln lần thứ hai). NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Kim Sang Gil. (2024). 제작가 안내 [Commercial website]. Constructor de guitar Jeong Gug Kim. http://jeonggugguitar.com/wordpress/constructor/

Nhạc cụ Tiến Đạt. (2024). Yamaha Guitar [Commercial website]. Nhạc cụ Tiến Đạt. https://nhaccutiendat.vn/classic-guitar/

Richard Mark French. (2012). Technology of the guitar. Springer.

Samick. (2024). About Samick Guitars. Samick® Guitars. https://samick-guitars.com/

Strings Direct. (2023). What’s the difference between a hex core and a round core string? [Commercial website]. Strings Direct. https://www.stringsdirect.co.uk/blogs/blog/hex-core-round-core-strings

Tổng kho nhạc cụ. (2016). Các loại gỗ thông dụng làm đàn guitar mà bạn nên biết. Công ty CP Giáo dục và dịch vụ âm nhạc TYGY. https://tongkhonhaccu.com/cac-loai-go-thong-dung-lam-dan-guitar.html

Trùng Dương Music. (2020). Alhambra 9P [Commercial website]. Trung Duong Music (since 1980). https://www.trungduongmusic.com.vn/san-pham/alhambra-9p-956.html

Victor Anand Coelho. (2003). Picking through cultures: A guitarist’s music history. Trong The Cambridge Companion to the Guitar (tr 3–12). Cambridge University Press.

Việt Thanh. (2024). Đàn Guitar Greg Bennett [Commercial website]. Việt Thanh Music Center. https://danpianobienhoa.com/san-pham/dan-guitar-greg-bennett

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*