NHẬN THỨC LUẬN

1. Một số vấn đề cơ bản của nhận thức luận

a. Mục đích, bản chất và nguồn gốc của nhận thức

– Mục đích của nhận thức 

Nhân loại luôn hướng đến việc nắm bắt các tri thức mới.

Trong lịch sử phát triển của mình, nhân loại đã trải qua con đường nhận thức dài lâu đầy chông gai: từ hoang sơ và hạn hẹp đến thâm nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn vào bản chất của tồn tại. Trên con đường đó, loài người đã khám phá ra rất nhiều các thuộc tính và các quy luật của tự nhiên, của đời sống xã hội và của chính con người.

Lý trí con người phát hiện ra các quy luật của thế giới không phải để thỏa mãn sự tò mò – dù đó là một động lực tinh thần của hoạt động người, mà nhằm cải biến thực tiễn cả tự nhiên lẫn xã hội với mục đích đạt được cuộc sống hài hòa cho bản thân trong thế giới.

Tri thức nhân loại là một hệ thống cực kỳ phức tạp được lưu giữ như một loại ký ức xã hội, sự phong phú của nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ dân tộc này đến dân tộc khác nhờ sự giúp sức của cơ chế di truyền xã hội, của văn hóa.

Nhận thức mang tính chất xã hội, bị quyết định bởi xã hội và được thực hiện bởi con người. Trước khi tiếp tục nhận thức, người ta phải nắm bắt tri thức đã được các thế hệ trước tích lũy, thường xuyên đối chiến nhận thức của mình với chúng – đó là yêu cầu cơ bản của tri thức đang phát triển.

Từ thời cổ xưa, khi ý thức được bản thân là một bộ phận cùa tự nhiên và không thể tách rời tự nhiên, con người đã suy ngẫm về những câu hỏi:

  • Thế nào là nhận thức?
  • Có cách nào để thu nhận tri thức?

Dần dần việc tự giác đặt ra và giải quyết vấn đề có được hình thức khá chặt chẽ, thành thành tri thức về chính tri thức. Đây là những vấn đề của nhận thức luận.

– Nguồn gốc và bản chất của nhận thức

Nhận thức luận đã được định hình cùng với sự xuất hiện của triết học với tư cách là một trong những phân môn triết học nền tảng.

Mọi nhận thức luận đều nghiên cứu bản chất của nhận thức; khả năng nhận thức của con người về các đối tượng hiện thực, các thuộc tính, các mối liên hệ của chúng; về các tính quy luật cơ bản của quá trình nhận thức từ quan niệm hời hợt về đối tượng (ý kiến) đến việc nắm bắt được bản chất của nó; về nguồn gốc và các phương pháp nhận thức; về các hình thức diễn ra quá trình nhận thức, và liên quan đến điều này, nó nghiên cứu các con đường đạt tới chân lý, các tiêu chuẩn của chân lý.

Trình bày những nguyên tắc xuất phát điểm của lý luận nhận thức, Lênin viết: “Sự sống sinh ra bộ óc. Giới tự nhiên được phản ánh trong bộ óc của người. Trong khi kiểm nghiệm và áp dụng sự đúng đắn của những phản ánh ấy vào thực tiễn của mình và trong kỹ thuật, con người đạt tới chân lý khách quan”. (V.I.Lênin, Toàn tập, t.29, tr.215)

Nhưng con người không thể nhận thức chân lý như là chân lý, nếu chưa mắc phải những sai lầm, vì thế lý luận nhận thức nghiên cứu cả việc con người mắc sai lầm như thế nào và làm cách nào để khắc phục chúng.

Cuối cùng, vấn đề trung tâm nhất đối với toàn bội nhận thức luận là vấn đề tri thức đáng tin cậy về thế giới, về bản thân con ngườixã hội loài người có ý nghĩa thực tiễn như thế nào. Chung quy lại, vấn đề rộng lớn mà nhận thức luận cần giải quyết là câu hỏi: Tri thức là gì? 

  • Tri thức là sợi dây gắn kết giữa tự nhiên, tinh thần con ngườihoạt động thực tiễn.
  • Tri thức là những mô hình về các đối tượng của thế giới bên ngoài; thế giới khách quan, vật chất, giới tự nhiên, đều là nguồn gốc của cảm giác, ý thức, tư duy của nhận thức.

Nhận thức được hình thành từ sự tác động của các đối tượng, các điều kiện bên ngoài lên ý thức con người. Nhờ kết quả của sự tác động đó làm xuất hiện trong đầu óc con người những mô hình của các đối tượng. Từ đó suy ra, quá trình nhận thức diễn ra dưới hình thức liên hệtương tác biện chứng lẫn nhau giữa chủ thể và khách thể nhận thức.

Như vậy, mục đích trực tiếp của mọi nhận thức là sáng tạo ra các loại tri thức với những trình độ khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng của nhận thức là để phục vụ sự phát triển của thực tiễn.

b. Chủ thể, khách thể và đối tượng của nhận thức

– Chủ thể của nhận thức

Chủ thể của nhận thức là con người, bởi cá thể người có khả năng phản ánh vào ý thức của mình những đối tượng hiện thực. Nhưng, đó không là con người chỉ với những thuộc tính sinh học xác định, mà trước hết là con người xã hội, con người trong hoạt động thực tiễn sinh động. Con người chỉ nhận thức khi là thành viên của xã hội, bởi các hình thái ý thức xã hội đã ảnh hưởng rất căn bản đến nội dung nhận thức.

Và do vậy, chủ thể của tư duy, nhận thức cũng không thể là trí tuệ nhân tạo có khả năng, giống như con người, lưu giữ và xử lý thông tin. Bở vì, tư duy nhận thức là quá trình phản ánh tích cực hiện thực bằng các khái niệm, các phán đoán, các lý thuyết khoa học. Mà điều đó có nghĩa là, nó luôn đòi hỏi sự hiện hữu của chủ thể đặt ra các mục đích, xác định các phương tiện đạt tới chúng, tiến hành việc chỉnh sửa nhận thức trên thực tiễn. Còn máy móc (trí tuệ nhân tạo) thì không thể thực hiện các thao tác như con người làm, và vì vậy không thể là chủ thể của nhận thức. Nếu có chăng nữa thì cũng không phải là máy móc tự nhận thức, mà là con người nhận thức với sự trợ giúp của máy (cũng như suy nghĩ không phải là bộ não sinh học với tư cách một dạng vật chất có tổ chức cao nhất, mà con người suy nghĩ với sự trợ giúp của bộ não).

– Khách thể và đối tượng của nhận thức

Khách thể nhận thức là những đối tượng vật chất hay tinh thần mà hoạt động nhận thức của chủ thể hướng đến. Khách thể nhận thức không đồng nhất với toàn bộ hiện thực vật chất hay tinh thần. Chỉ có những lĩnh vực hiện thực đã được thu hút vào hoạt động nhận thức của chủ thể mới trở thành khách thể.