[NKĐD No.3] P1: Lần đầu tham dự buổi lễ “Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé” (13/10/2024)

Thời gian: 19:00 ngày 13/10/2024 (Chúa nhật)

Địa điểm: Tu viện Dòng Phanxicô. 42 Đình Phong Phú, P. Tăng Nhơn Phú B. Q.9, TP. Thủ Đức

Đơn vị tổ chức: Nhóm Bảo vệ sự sống Phanxicô và Nhóm Cầu Nguyện Mactynho

1. Một dịp tình cờ

Ngày 11/10/2024, tôi nhận được thông tin về buổi lễ “Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé” qua Facebook từ bạn N.T.H.P (2000) – sinh viên mandolin Nhạc viện TP.HCM và thành viên Dàn nhạc Saigon Mandolin – Guitar (SMGO).

H.P nói rằng có L.H.H.A, một người bạn thân của chúng tôi (và cũng là thành viên SMGO) phụ trách đàn guitar cho buổi lễ. Vì hiếu kỳ với hoạt động sinh hoạt âm nhạc bên Công giáo, đặc biệt là vai trò của đàn guitar cổ điển trong một nghi lễ Công giáo, tôi đồng ý ngay với H.P, ngày 13/10/2024 sẽ đến buổi lễ cầu nguyện sau giờ tập hòa tấu tại Dàn nhạc SMGO.

Hôm đó là một buổi chiều mưa, sau khi mưa tạnh thì 18:00 chúng tôi xuất phát, H.P đi cùng xe máy với tôi từ Nhạc viện TP.HCM, hai chị em băng qua đoạn đường 10km Xa lộ Hà Nội, rẽ vào phải vào Lê Văn Việt, rồi rẽ vào đường Đình Phong Phú số 42 là nơi tọa lạc của Tu Viện Dòng Phanxicô (Thủ Đức).

Đến nơi, tôi thầm tạ ơn Chúa che chở vì chạy một đoạn đường rất xa mà không bị mưa ướt. Chúng tôi tiến vào nhà nguyện nơi diễn ra nghi lễ, không khi nhà nguyện nghiêm trang và yên tĩnh. H.P giới thiệu tôi với mọi người, tôi thấy H.A đã đến trước và đang chuẩn bị guitar cùng các nhạc công violin, sáo recorder, kèn clarinet, đàn phím organ điện tử. Tôi xin phép đi chụp một vài hình ảnh xung quanh nhà nguyện. 

Nhà nguyện Tu viện Dòng Phanxicô, nơi tổ chức buổi lễ cầu nguyện. Ảnh: Thy Phương

Sau khi chụp ảnh, tôi gặp bạn H, một người quen cũ từng học guitar tại Nhạc viện TP.HCM, H đã chủ động giới thiệu cho tôi về âm nhạc Taizé. H nói từng theo đoàn tình nguyện sang Pháp 3 tháng, tại đó, H biết được âm nhạc Taizé được những giáo dân trẻ trên toàn thế giới sáng tác cho mục đích cầu nguyện, âm nhạc làm “nền” để giáo dân gửi những lời cầu nguyện đến Thiên Chúa. H đưa tôi xem quyển nhạc phổ bạn mua về từ Pháp, đó là những bài hát cầu nguyện có phần đệm guitar cổ điển. Tôi hỏi xin photocopy một bản để làm tài liệu nghiên cứu, nhưng H không đồng ý vì lý do copyright, tôi nói rằng copyright trên thế giới và Việt Nam cho phép sao chép một bản với mục đích học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên H vẫn cứng rắn không đồng ý. Tôi đành xin phép H chụp lại bìa sách để tôi tự mua, H đồng ý.

Tập nhạc phổ “Những bài hát từ Taizé” có phần đệm guitar. Ảnh: Thy Phương

Sau khi trao đổi với H, một anh trai chơi sáo recorder trong Nhóm Cầu Nguyện thấy tôi mang theo guitar, anh ấy hỏi “Học guitar lâu chưa?”, tôi nói “em đã tốt nghiệp Trung cấp, bạn của H.A”, vừa dứt lời thì anh ấy đề nghị tôi vào đàn giúp mọi người. Tôi đồng ý, anh ấy bảo H.A đưa bản nhạc cho tôi “thị tấu”. Thì ra bè guitar hoặc organ điện tử có vai trò đệm giữ nhịp cho ca đoàn, violin, recorder và clarinet đi những câu giang tấu.

Theo thông tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam (2023) trong bài “Những yếu tố của một buổi cầu nguyện theo phong cách Taizé“, đàn guitar cổ điển có vai trò như sau:

Tất cả những bài hát Taizé đều có thể hát không cần nhạc đệm. Mặc dù vậy, các thầy cũng đã có biên soạn một tập sách dành riêng cho nhạc cụ, được sử dụng khi cần thiết. Trong buổi cầu nguyện thông thường, nên có một keyboard (đàn organ điện tử) hoặc đàn ghita đệm cho cộng đoàn để giữ vững cao độ và nhịp phách, tránh việc cộng đoàn hát trì trệ và lệch tông. Khi đệm, không nên chơi quá lớn vì có thể lấn át tiếng hát của cộng đoàn. Đàn keyboard nên sử dụng âm sắc “cổ điển”, tránh các loại tiếng mang âm sắc “điện tử”. Riêng đàn ghita nên sử dụng kĩ thuật móc cổ điển, thay vì rải hợp âm, để giúp các bài hát luôn ở trong trạng thái suy niệm. Mục đích cao cả của nhạc cụ là phải luôn luôn nâng đỡ và hỗ trợ cho các bè.

2. Nghi lễ “Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé”

Những người đến tham dự buổi lễ cầu nguyện được phát một list chương trình cầu nguyện gồm lời bài hát (chiếm 90% dung lượng chương trình), phúc âm và “Kinh lạy Cha”. List chương trình tương tự như brochure được phát khi đi xem hòa nhạc thính phòng. Nghi lễ sẽ được tiến hành tuần tự theo chương trình, đèn nhà nguyện được chuyển sang ánh sáng vàng, chỉ giữ lại hai đèn tập trung vào lễ đài tạo không khí trang nghiêm. Các nhạc công và ca đoàn sử dụng đèn led vàng để chiếu vào nhạc phổ.

Powered By EmbedPress

Tui amoris ignem (trích đoạn) – Nhóm Cầu Nguyện Mactynho (13/10/2024)
Bonum est confidere (trích đoạn) – Nhóm Cầu Nguyện Mactynho (13/10/2024)
Jésus Le Christ (trích doạn) – Nhóm Cầu Nguyện Mactynho – Guitar Lê Hà & Thy Phương (13/10/2024)

Các nhạc công đệm đàn cho ca đoàn. Ảnh: Thy Phương.

Âm thanh được bố trí cho các nhạc công rất đơn sơ, ngoại trừ đàn keyboard có jack cắm trực tiếp vào bàn điều khiển âm thanh (bàn mixer), các nhạc cụ violin, sáo recorder và clarinet âm lượng to nên không cần khuếch đại, riêng nhạc cụ guitar phải có thiết bị khuếch đại hỗ trợ do âm lượng nhỏ, ban tổ chức cũng chưa đầu tư chân micro nên phải có người khác cầm micro giúp nhạc công guitar. Tuy vậy, tôi cảm nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau làm nên tình đoàn kết gắn bó, đúng với tinh thần “cộng đoàn”.

Sau nghi lễ, một thành viên của Nhóm Cầu Nguyện tiếp tục giải thích về cầu nguyện theo phong cách Taizé, bạn khẳng định rằng “Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé”, chứ không phải là “Cầu nguyện với Taizé” vì Taizé chỉ là tên một ngôi làng của nước Pháp.

Kết thúc buổi cầu nguyện, ban tổ chức chuẩn bị sẵn bánh mì và nước ngọt có gas để người tham dự cầu nguyện ăn uống và giao lưu. Mọi người cầm ổ bánh mì ngọt rất tươi mới, vị ngọt vừa phải, giao lưu trò chuyện trong không khí ấm áp, thân tình. Tôi có cảm giác như được trở về nhà, trong sự yêu thương bao la từ những người thân yêu.

Trên đường về, H.P có giải thích với tôi vì sao mọi người phải nắm tay nhau khi đọc “Kinh Lạy Cha”, H.P nói rất thích nghi thức ấy vì: “hai người xa lạ nắm tay nhau sẽ dễ kết thân tình hơn, hoặc nếu em và bạn em lỡ giận nhau vì một chuyện gì đó, khi cầu nguyện đọc Kinh Lạy Cha thì buộc phải nắm tay nhau, như thế sẽ dễ hòa giải mâu thuẫn hơn“.

Nhận xét: Tham dự một buổi lễ “Cầu nguyện với những bài hát từ Taizé” là một dịp để tôi mở mang tầm mắt, không chỉ âm nhạc cầu nguyện rất trong sáng, trang trọng và hấp dẫn, mà còn bởi những nghi thức sinh hoạt và tấm lòng rộng mở từ mọi người trong cộng đoàn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*