[NKĐD No.3] P2: Buổi chia sẻ Kinh Thánh tại Nhà thờ Đồng Tiến (30/10/2024)

Thời gian: 19:00 – 21:00 ngày 30/10/2024 (Thứ Tư)

Địa điểm: Nhà thờ Đồng Tiến. Số 54 Thành Thái, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh

Đơn vị tổ chức: Nhóm Cầu Nguyện Mạctynho

Đây là lần thứ ba tôi đi cùng Nhóm Cầu Nguyện Mạctynho trong hoạt động chia sẻ Kinh Thánh tại Nhà thờ Đồng Tiến trên đường Thành Thái. Do hiếu kỳ “chia sẻ Kinh Thánh là gì?” nên tôi quyết định đi một mình, hai người bạn của tôi là N.T.H.P và L.H.H.A bận việc riêng nên không đi cùng tôi.

Tôi đến Nhà thờ Đồng Tiến gửi xe, được hướng dẫn đi theo một hành lang nhỏ cạnh giáo đường để đến nơi mọi người trong Nhóm Cầu Nguyện Mạctynho đang tập hợp.

Trên lối đi vào nơi tập hợp, điều làm tôi chú ý nhất khi đến nhà thờ Đồng Tiến là tượng Đức Mẹ Maria bế Chúa Jesus hài đồng mang đậm chất văn hóa Việt Nam, Đức Mẹ trong trang phục áo dài thụng trắng, có khoác áo màu xanh lam và đầu đội mấn vàng, phía trước tượng đặt một đỉnh đồng để giáo dân đến cầu nguyện và thắp nhang. Tôi thầm nghĩ, thì ra không chỉ có Phật giáo, bên Công giáo cũng đã “Việt hóa” các vị Thánh.

Tượng Đức Mẹ tại Nhà thờ Đồng Tiến. Ảnh: Thy Phương

Đến nơi tập hợp, Nhóm Cầu Nguyện Mạctynho hát một bài như thường lệ trước khi được Cha chia sẻ Kinh Thánh và đặt ra hai câu hỏi như sau:

Powered By EmbedPress

Sau khi được Cha gợi ý, các thành viên Nhóm Cầu Nguyện Taizé chia thành 6 nhóm nhỏ thảo luận quan điểm về Chúa Thánh Thần trong 50 phút (từ 19:30 – 20:20). Tôi được vào Nhóm 5, nhóm của bạn Đức – người dàn dựng hợp xướng cho Nhóm Cầu Nguyện Mạctynho. Trước và sau buổi thảo luận, Nhóm vẫn giữ truyền thống là hát một bài bắt đầu và một bài kết thúc. Các thành viên nhóm chia sẻ rằng Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc sống thực tiễn, giúp họ vượt qua sự mệt mỏi khi hành hương ở đất Thánh nước Tây Ban Nha, giúp họ soi sáng lối về, giúp họ vượt qua Đại dịch COVID-19, thảo luận về những thời khắc mất niềm tin vào Thiên Chúa,….

Tôi lắng nghe các bạn chia sẻ quan điểm về Chúa Thánh Thần từ góc nhìn của những “con chiên” ngoan đạo. Tôi chợt nhớ lại những kiến thức về Phân tâm học của Sigmund Freud (1856-1939) và Tâm phân học của Carl Gustav Jung (1875 – 1961), nhưng không tiện chia sẻ vì học thuyết của hai nhà khoa học kể trên được xem là phản thần.

Theo Phân tâm học (Psychoanalysis), Sigmund Freud – một bác sĩ tâm thần học và một nhà tâm lý học người Áo cho rằng cấu trúc tâm lý con người bao gồm:

  • Bản năng tự nhiên (Id – những ham muốn vô thức, sự hỗn loạn, tối tăm), tôi tạm gọi đó là phần “con” trong “con người”.
  • Bản ngã (Ego – cái tôi xã hội) hình thành và phát triển khi con người tiếp xúc với văn hóa, xã hội loài người và Siêu ngã (Super Ego – cái tôi lý tưởng) hình thành khi Bản ngã tìm được một hình mẫu con người lý tưởng để phấn đấu đạt được. Tôi tạm gọi Bản ngã và Siêu ngã là phần “người” trong “con người”.

Freud cho rằng Bản năng tự nhiên luôn bị khống chế bởi Bản ngã (đôi khi kết hợp với Siêu ngã) khi con người hòa nhập vào xã hội. Khi đó, Bản năng tự nhiên không mất đi mà bị kìm nén trở thành những giấc mơ méo mó so với thực tế. Đứng trên quan điểm của Freud để giải thích về Chúa Thánh Thần, Ngài chính là phần “người” thể hiện qua Bản ngã và Siêu ngã để khống chế sự ham muốn của Bản năng tự nhiên, giúp con người không bị cám dỗ để sa ngã vào con đường lầm lỗi. Nếu con người đã phạm lỗi, thì Bản ngã và Siêu ngã chính là sức mạnh bên trong hướng con người trở về chính đạo để giữ gìn những chuẩn mực chung của xã hội.

Theo Tâm phân học (Analytical Psychology), Carl Gustav Jung có kế thừa quan điểm Phân tâm học nhưng cũng bổ sung những quan điểm mới. Jung cho rằng vô thức không chỉ là kho lưu trữ những cảm xúc ham muốn bị kìm nén, mà còn chứa đựng những cảm xúc sâu xa hơn gồm 2 tầng là vô thức cá nhân (tầng trên) và vô thức tập thể (tầng sâu bên dưới)Trong đó, vô thức tập thể là kho tàng những kinh nghiệm mà mỗi con người tích lũy được, còn vô thức xã hội gắn với di sản tâm linh được tích lũy qua ký ức của tiền nhân trong quá khứ, những hình mẫu lý tưởng mang tính phổ quát, hoặc những niềm tin chân lý được xã hội công nhận là đương nhiên. Jung phân chia vô thức tập thể gồm các thành phần Nguyên mẫu/Cổ mẫu/Mẫu gốc (Archetype) được xác định như những hình ảnh phổ quát, ban sơ hiện hữu từ quá khứ xa xôi.

Nếu từ góc độ Tâm phân học của Jung để nhìn nhận về Chúa Thánh Thần, có thể nói đây là hình tượng phát sinh từ vô thức cá nhân của giáo dân và vô thức tập thể trong cộng đồng Công giáo. Các giáo dân mỗi tuần phải đi lễ nhà thờ, được đọc Kinh Thánh và được tiếp nhận giáo lý theo chu kỳ đều đặn hàng tuần và lặp đi lặp lại như thế. Từ đó những lời kinh và những bài giáo lý trở thành kinh nghiêm trong vô thức cá nhân của mỗi giáo dân, đồng thời thúc đẩy các giáo dân hành động theo những kinh nghiệm ấy. Không những thế, trong lòng mỗi giáo dân luôn có hình mẫu lý tưởng là Chúa Jesus, một con người hoàn hảo về ngoại hình và nhân cách đã trở vô thức tập thể, trong nội tâm sâu thẳm của mỗi giáo dân đều có khát vọng được trở thành người giống như hình mẫu lý tưởng Chúa Jesus. Điều này giải thích vì sao các giáo dân tin rằng Chúa Thánh Thần có sức mạnh giúp họ vượt qua những khó khăn, những nỗi đau đớn thể xác hoặc tinh thần, bởi vì hình mẫu lý tưởng của họ từng chịu đau đớn khi bị đánh đập, bị chính dân tộc của mình sỉ nhục, bị đóng đinh trên thập tự giá, sau cái chết vẫn phục sinh trong vinh quang. Từ đó, trong vô thức tập thể Công giáo mang đến một niềm tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ hiện ra giúp đỡ giáo dân mỗi khi họ gặp đau khổ, Ngài sẽ an ủi, đỡ nâng và mang đến niềm vui sướng cho con người.

Nhận xét: Tôi nhận thấy Khoa học không chống lại Thần học, những nhà khoa học chỉ cố gắng giải thích sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, tương tự như những tôn giáo khác tin rằng người có lòng tốt thì sẽ được phước báo, hoặc làm việc tốt thì có thần trợ lực. Đứng ở góc độ khoa học thì niềm tin vào sức mạnh giúp chống lại sự cám dỗ của những ham muốn tầm thường, hay một động lực giúp vượt qua khổ đau đều xuất phát từ Bản ngã (hay vô thức cá nhân) do xã hội định hình cho mỗi con người và từ Siêu ngã (hay vô thức tập thể) là hình mẫu lý tưởng mà mỗi người mong muốn đạt được. Tuy các nhà khoa học giải thích rất cụ thể về tâm lý con người, nhưng có một vấn đề mà khoa học chưa giải thích được là vì sao tâm lý con người lại tồn tại Bản ngã Siêu ngã, vô thức cá nhân và vô thức tập thể, như là phần nhân tính chống lại phần bản năng tầm thường, lệch lạc. Không phải ngẫu nhiên mà con người được đánh giá là loài động vật cao cấp nhất, phải chăng phần nhân tính (phần “người”) là một món quà của Đấng Sáng Tạo dành tặng cho mỗi con người (theo trường phái duy tâm)? Hay đó là một hiện tượng tự nhiên trong thế giới vật chất đang chờ những nhà khoa học khám phá (theo trường phái duy vật)? Ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh được sự khiếm khuyết thùy trước của não bộ khiến con người có xu hướng trở thành kẻ bạo lực, lúc đó Bản ngãSiêu ngã không thể khống chế được hành vi phạm tội. Câu trả lời về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần phải chờ kết quả nghiên cứu trong tương lai.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*