

1. Cuộc thi guitar tại SIGF
1.1. Giới thiệu về cuộc thi guitar qua các kỳ SIGF
Từ sau 30/4/1975, những cuộc thi âm nhạc có hạng mục biểu diễn guitar cổ điển đã phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích tìm kiếm tài năng guitar cho đất nước như: Cuộc thi Độc tấu guitar toàn quốc năm 1982 và những cuộc thi khác của Trung tâm Văn Hóa Phú Nhuận tổ chức; Hội thi Đơn ca – Độc tấu 1986 do Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM tổ chức; Cuộc thi “Tài năng Trẻ Guitare” vào các năm 1991, 1994, 1997 và 2000 do Nhạc Viện TP.HCM tổ chức,…
Saigon International Guitar Festival bắt đầu từ năm 2014, nhưng cuộc thi guitar tại SIGF manh nha bắt đầu từ SIGF 2016 khi Ban tổ chức bắt đầu tuyển chọn nghệ sĩ trẻ (dưới 30 tuổi) theo hình thức gửi bài thi là những video tự quay. Từ SIGF 2017, cuộc thi guitar chuyên nghiệp chính thức được tổ chức trên quy mô quốc gia, với 3 bảng đấu: bảng A (bảng chuyên nghiệp từ 18 tuổi trở lên), bảng B (bảng chuyên nghiệp dưới 18 tuổi), bảng C (bảng không chuyên). Năm 2018, cuộc thi guitar SIGF mở rộng ra quy mô khu vực Đông Nam Á và các thí sinh người Thái Lan thắng lớn ở cả hai bảng chuyên nghiệp. Năm 2019, cuộc thi guitar SIGF cũng tổ chức ở quy mô khu vực Đông Nam Á, đồng thời bổ sung hạng mục hòa tấu guitar (ensemble category). Năm 2020, 2021 và 2022, SIGF bị tạm hoãn do đại dịch COVID-19. Năm 2023, SIGF được tái tổ chức, trong đó, cuộc thi guitar tại SIGF được mở rộng quy mô ra Châu Á, có bổ sung bảng thi nội địa không chuyên dành cho thí sinh dưới 13 tuổi. Cuộc thi guitar tại SIGF 2023 là một dấu ấn đáng nhớ khi thần đồng guitar Nutthachai Chaivanich (2009, Thái Lan) giành hai giải nhất ở hai bảng mở rộng và bảng chuyên nghiệp dưới 18 tuổi.
Cuộc thi guitar tại SIGF 2024 giữ nguyên cơ cấu tổ chức theo SIGF năm 2023, nhưng có một điểm mới là Ban tổ chức bất ngờ ra thông báo giới hạn số lượng thí sinh tham gia SIGF 2024 trên Facebook Fanpage SIGF vào ngày 23/7/2024, khoảng 20 ngày trước ngày cuối cùng của thời hạn đăng ký dự thi 10/8/2024.

Thông báo giới hạn số lượng thí sinh dự thi SIGF 2024. Nguồn: Fanpage SIGF.
Đến ngày 5/8/2024, Ban tổ chức thông báo trên Fanpage đã nhận đủ số lượng thí sinh dự thi bảng mở rộng.

Thông báo bảng mở rộng nhận đủ số lượng đăng ký dự thi vào ngày 5/8/2024. Nguồn: Fanpage SIGF.
1.2. Sơ lược về cơ cấu tổ chức cuộc thi guitar tại SIGF
Cũng như bất cứ cuộc thi nào ở các lĩnh vực khác, cuộc thi guitar tại SIGF có cơ cấu tổ chức bao gồm: thí sinh (contestant), ban giám khảo (jury), thể lệ thi (rules) và giải thưởng (prizes). Bên cạnh đó, còn có quy chế chấm thi dành cho ban giám khảo.
- Thí sinh (contestant) được phân loại theo nhóm chuyên nghiệp và không chuyên; theo độ tuổi: từ đủ 18 tuổi trở lên, dưới 18 tuổi, dưới 13 tuổi. Một thí sinh có thể dự thi nhiều hạng mục khác nhau nếu đáp ứng điều kiện trong thể lệ thi. Thí sinh tham dự cuộc thi tại SIGF được hưởng khoản phúc lợi là được miễn vé xem chương trình hòa nhạc của các nghệ sĩ quốc tế.
- Ban giám khảo (jury) gồm các giám khảo người nước ngoài và người Việt Nam, gồm thành viên ban tổ chức SIGF và các nghệ sĩ khách mời. Tất cả giám khảo phải đáp ứng đủ điều kiện về trình độ chuyên môn biểu diễn guitar cổ điển.
- Thể lệ thi (rules) được ban tổ chức công bố khoảng 6 tháng trước khi cuộc thi diễn ra trên Fanpage SIGF và website chính thức, gồm các nội dung: độ tuổi, số vòng thi, mức độ chuyên nghiệp hoặc không chuyên, thời lượng biểu diễn chương trình dự thi ở các vòng thi, loại đàn guitar được phép sử dụng, bài thi bắt buộc cho tất cả thí sinh (nếu có). Thể lệ thi giúp các thí sinh lựa chọn hạng mục dự thi phù hợp, hình thành thái độ xử sự đúng mực khi tham dự cuộc thi.
- Giải thưởng (prizes) được ban tổ chức công bố cùng lúc với thể lệ thi, nhằm mục đích khích lệ về vật chất và tinh thần cho thí sinh đạt giải. Ngoài ra, việc công bố trước giải thưởng cũng tạo động lực thúc đẩy các thí sinh tích cực rèn luyện kỹ năng để giành lấy những thứ hạng cao nhất.
Ngoài cơ cấu tổ chức cơ bản nêu trên, ban tổ chức SIGF còn thành lập Festival Team gồm những giảng viên Khoa Guitar, một số sinh viên trong Khoa Guitar và một số sinh viên lạ ngoài Nhạc Viện, và có cả các nhà tài trợ SIGF, nhằm mục đích đảm bảo cuộc thi được vận hành suôn sẻ. Trong cuộc thi guitar, Festival Team có nhiệm vụ hướng dẫn thí sinh dự thi đến phòng chờ, gọi thí sinh vào phòng hòa nhạc dự thi, túc trực trước cửa phòng hòa nhạc lúc thí sinh đang dự thi nhằm đảm bảo trật tự và ngăn chặn tiếng ồn, điều phối chương trình thi, chuẩn bị thực phẩm cho ban giám khảo và các thành viên Festival Team.
Trong các hoạt động khác tại SIGF, Festival Team cũng thực hiện các nhiệm vụ như dẫn chương trình hòa nhạc bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt, xếp ghế ngồi cho tiết mục hòa tấu, phiên dịch các buổi master classes, hỗ trợ nhạc cụ cho nghệ sĩ dạy master classes, quay phim, chụp ảnh, bán vé hòa nhạc, soát vé hòa nhạc, đón khách đến xem hòa nhạc, hướng dẫn khách vào phòng hòa nhạc, phát chương trình hòa nhạc cho khách, xử lý thông tin, giải đáp thắc mắc, đăng bài và ảnh lên trang Fanpage kịp thời và nhanh chóng.
Quy chế hoạt động, nhiệm vụ – quyền hạn, khen thưởng – kỷ luật của Festival Team được ban tổ chức phổ biến riêng trong cuộc họp kín, không công khai đến mọi người. Riêng cá nhân tôi nghĩ rằng điều này có ưu điểm và cũng có khuyết điểm, một đội ngũ hỗ trợ nhiệt tình sẽ làm hài lòng khách đến Festival, nếu phục vụ tốt thì “tiếng lành đồn xa”, nhưng phục vụ không tốt thì khách không biết phải tìm ai để góp ý và hậu quả là “tiếng xấu ngàn dặm”. Hy vọng trong tương lai, người điều hành Festival Team có những sự điều chỉnh để đảm bảo các chuỗi hoạt động SIGF được hoàn thiện hơn.
Về quy chế chấm thi dành cho ban giám khảo được quy định cụ thể tại Mục 8 trong “Đề án Liên hoan guitar Quốc tế Sài Gòn 2024“. Việc công khai quy chế tại cuộc thi SIGF 2024 đảm bảo tính khách quan cho cuộc thi guitar.
Vấn đề bất cập trong các kỳ thi guitar tại SIGF:
- Vấn đề này bản thân tôi và một số bạn bè nhận thấy kể từ khi quan tâm theo dõi SIGF 2017 đến nay, đó là không có phần nhận xét của giám khảo sau khi thí sinh hoàn thành bài thi, trong khi các cuộc thi nghệ thuật âm nhạc đại chúng đều có phần nhận xét, góp ý và cho điểm công khai của giám khảo. Một số bạn bè của tôi (xin phép giấu tên) từng tham dự cuộc thi SIGF thường phàn nàn rằng nếu không công khai nhận xét, góp ý thì chuyện mình đàn đúng hay sai, đàn hay hay dở, sao có thể tự phát hiện mà sửa chữa cho hết lỗi được. Vấn đề này còn bị bỏ ngỏ, có thể nhiều người ủng hộ hoặc phản đối, xin nêu ở đây để chờ ý kiến của cấp trên.
- Vấn đề thứ hai là ở khâu tổ chức phát giải thưởng, tất cả các thí sinh dự thi lần lượt được gọi tên lên sân khấu, người không có giải thì được cấp chứng nhận, người có giải thì đợi công bố kết quả trong không khí hồi hộp. Sau khi phát giải, ban tổ chức yêu cầu các thí sinh (kể cả có giải lẫn không có giải) phải náng lại sân khấu để chờ trao giải hạng mục tiếp theo. Buổi lễ trao giải kéo dài hơn 40 phút đến 1 giờ, những người được gọi tên trước phải đứng trên sân khấu chờ đợi mỏi mòn trao giải các hạng mục khác, để sau khi phát giải xong chụp 1 tấm hình kỷ niệm Lễ trao giải – Bế mạc SIGF đông người và hoành tráng. Nhiều bạn bè của tôi nhận xét rằng: “không hiểu ban tổ chức nghĩ gì, còn em nghĩ mình thi rớt mà còn bị bắt đứng cả tiếng đồng hồ trên sân khấu ôm cái giấy chứng nhận cảm thấy nhục nhã gì đâu“.
Toàn cảnh Lễ bế mạc hoành tráng tại SIGF 2023. Nguồn: Fanpage SIGF.
2. Vòng loại – Bảng mở rộng tại SIGF 2024
Bảng mở rộng (Open category) là bảng thi danh giá nhất SIGF được tổ chức với 2 vòng thi: vòng loại (preliminary round) và vòng chung kết (final round). Các nghệ sĩ đạt giải bảng mở rộng tại SIGF có đủ tư cách biểu diễn như một nghệ sĩ chuyên nghiệp tại các sân khấu âm nhạc cổ điển uy tín tại TP.HCM và Việt Nam.
Vào lúc 18:00 ngày 28/8/2024, tất cả thí sinh tham dự tại các hạng mục thực hiện bốc thăm xác định thứ tự dự thi. Sau đó, ban tổ chức công khai danh sách thứ tự thí sinh trên Fanpage trước khi diễn ra cuộc thi.
Bảng thi mở rộng cuộc thi SIGF 2024 gồm 16 thí sinh, trong đó có 9 Việt Nam, 4 Nhật Bản, 1 Hàn Quốc, 1 Malaysia, 1 Thái Lan. Có một điểm đặc biệt là thí sinh Mihoko Watanabe từng tham gia SIGF 2023 với tư cách giám khảo chấm thi “bảng không chuyên” và “bảng không chuyên dưới 13 tuổi” và nghệ sĩ khách mời biểu diễn đêm hòa nhạc ngày 2/11/2023.

Các thí sinh Việt Nam chủ yếu là sinh viên Khoa Guitar – Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, các thi sinh Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan cũng là thân hữu trong giới guitar Sài Gòn, chỉ riêng thí sinh Han Kyu Ho (Korea) lần đầu tiên đến Việt Nam dự thi.
Khán giả đến xem cuộc thi guitar chủ yếu là những người chuyên nghiệp và không chuyên trong giới guitar cổ điển khắp Việt Nam, các thí sinh dự thi ở các hạng mục, ngoài ra còn có người thân của thí sinh, các phóng viên báo đài và một ít người hiếu kỳ với cuộc thi.
Vòng loại bảng mở rộng diễn ra đúng trình tự và kết thúc vào lúc 11:45.
3. Buổi học masterclass với Nghệ sĩ bậc thầy Benjamin Verdery
3.1. Giới thiệu sơ lược về masterclass
Masterclass là một loại hình tổ chức lớp học đặc trưng trong các ngành nghệ thuật biểu diễn. Người giảng dạy master class là những nghệ sĩ bậc thầy nổi tiếng, có kinh nghiệm và tài năng biểu diễn đủ sức thuyết phục giới chuyên môn. Lớp masterclass thường là một thầy dạy một trò, sự kiềm cặp sát sao giúp người dạy nhận biết được trình độ năng lực của người học để đưa ra những lời khuyên, định hướng, phương pháp giúp người học phát triển kỹ năng toàn diện hơn. Loại hình lớp học master class trong nghệ thuật tồn tại cả ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm của master class là người học được học tập trực tiếp từ nghệ sĩ bậc thầy, nghề truyền nghề, tâm truyền tâm, vì thế kỹ năng biểu diễn không ngừng tiến bộ. Nhược điểm của masterclass thì rất nhiều:
- Trước hết, bên cạnh truyền đạt kỹ năng, thì những cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố của người thầy cũng truyền đạt cho người học, nên đôi khi làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần người học.
- Thứ hai, người thầy cũng là con người, không tránh khỏi những chuyện yêu ghét, yêu thì dạy nhiều hơn, ghét thì không dạy, sự phân biệt kỳ thị khiến cho người học “bị ghét” tổn thương tâm lý nặng nề.
- Thứ ba, những người theo ngành nghệ thuật có cái tôi rất lớn, hình thành tâm lý thích điều khiển người khác phải làm theo ý mình, không ít nghệ sĩ bậc thầy tạo ra khuôn khổ gò bó đóng khung người học, triệt tiêu tư duy phản biện bằng cách hễ nghe học trò phản biện là đuổi học.
- Thứ tư, một số nghệ sĩ bậc thầy có tư tưởng lệch lạc, có thái độ tiêu cực với cuộc sống, những nếp sống xấu như sử dụng chất kích thích, nghiện rượu bia, thuốc lá,… Bên cạnh kỹ năng chơi đàn, người thầy cũng truyền đạt cho người học những lối sống ấy.
- Cuối cùng, một số nghệ sĩ bậc thầy có tính ích kỷ, chỉ muốn mình là số 1, khi họ nhận thấy những người học có tiềm năng vượt trội hơn họ thì họ tìm cách kiềm hãm lại như không dạy hoặc dạy sai kiến thức, cô lập người học, chia rẽ tình đoàn kết của người học đó với những người học khác, hướng người học theo nghề nghiệp khác thay vì nghề biểu diễn,…
Vì những lý do trên, để đạt được mục đích thiêng liêng của loại hình masterclass, một nghệ sĩ bậc thầy dạy masterclass phải đáp ứng hai điều kiện, điều kiện tiên quyết là trình độ chuyên môn và điều kiện đủ là phẩm chất đạo đức.
Masterclass trong guitar cổ điển là một buổi học, nơi các học viên guitar chuyên nghiệp được học hỏi kinh nghiệm biểu diễn từ các nghệ sĩ guitar bậc thầy (maestro) nổi tiếng tiếng trên thế giới. Lớp học masterclass truyền thống thường tổ chức với hình thức một kèm một, về sau lớp masterclass được mở rộng cho hạng mục hòa tấu. Người học master class phải đăng ký trước tác phẩm muốn học và đóng lệ phí cho ban tổ chức sự kiện guitar. Tác phẩm đăng ký học masterclass phải được người học đã luyện tập thuần thục, người học phải in ra giấy bản nhạc theo đúng phiên bản đã luyện tập để maestro theo dõi. Khán giả có thể đến dự thính các buổi học masterclass, buổi học masterclass được giảng dạy công khai sẽ giảm thiểu tối đa những nhược điểm nêu trên. Một buổi học masterclass thường kéo dài khoảng 45 phút theo trình tự sau:
- Bước 1: người học biểu diễn tác phẩm đăng ký học trước maestro và khán giả.
- Bước 2: maestro nhận xét tổng thể về màn biểu diễn.
- Bước 3: maestro chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm khi tiếp cận tác phẩm, sau đó tiến hành chỉnh sửa những nốt nhạc, câu nhạc, ý nhạc mà người học diễn đạt chưa tốt. Phần chỉnh sửa có thể là kỹ thuật diễn tấu, cách xếp ngón, hình tượng âm nhạc, và cả văn hóa âm nhạc của các quốc gia trên thế giới.
- Bước 4 (không bắt buộc): maestro dặn dò người học về những định hướng luyện tập tác phẩm và tổng kết kinh nghiệm sau buổi học.
3.2. Lớp masterclass hạng mục hòa tấu với Maestro Benjamin Verdery tại SIGF 2024
SIGF 2024 là mùa đầu tiên tổ chức lớp học masterclass cho hạng mục hòa tấu (ensemble). Maestro Benjamin Verdery là Phó giáo sư thỉnh giảng của Trường âm nhạc Yale (Yale School of Music) từ năm 1985, ông nổi tiếng khắp thế giới vì phong cách sáng tác và trình diễn phóng khoáng đầy sáng tạo, các nghệ sĩ Việt Nam đầy triển vọng như “thần đồng guitar Việt Nam” Trần Tuấn An (An Tran) và nghệ sĩ trẻ Ngô Hoàng Long đều là học trò của ông.
Từ 13:00 đến 14:45, Maestro Benjamin dạy 2 lớp masterclass cho 2 nhóm hòa tấu, nhóm thứ nhất là Kuen Cheng High School Guitar Ensemble và nhóm thứ hai là Saigon Guitar Ensemble. Tôi may mắn được tham gia lớp masterclass cùng Saigon Guitar Ensemble học bài Kalimba.




Hình ảnh buổi học masterclass hạng mục hòa tấu cùng với Maestro Benjamin Verdery
Sau buổi học masterclass với Maestro Benjamin Verdery, tôi học được rất nhiều thứ, cả về âm nhạc và cách sống.
- Về âm nhạc, tôi nhận ra âm nhạc cũng giống như con người, có nhiều cung bậc cảm xúc vui, buồn, mừng, giận. Nhiệm vụ của người chơi đàn phải phát hiện những cảm xúc trong ý nhạc và thể hiện cho bằng được nguồn cảm xúc ấy. Làm nổi bật những sắc thái cường độ tương phản trong tác phẩm âm nhạc là rất quan trọng, âm nhạc như những con sóng, lúc thì êm đềm, lúc thì xao động, cũng có lúc cuộn trào mãnh liệt,… sắc thái âm nhạc đẩy lùi sự nhàm chán, đây là chìa khóa cuốn hút người nghe vào màn biểu diễn. Ông đề cao sự sáng tạo trong âm nhạc, khuyến khích những học trò của mình sáng tác và trình diễn tác phẩm ấy trước công chúng, điều này chưa từng xảy ra ở các lớp học guitar Việt Nam. Bên cạnh đó, những màn trình diễn âm nhạc cổ điển phá cách cũng được ông ủng hộ, miễn là màn trình diễn ấy làm tác phẩm trở nên sinh động hơn và không làm hư hại tác phẩm gốc.
- Về cách sống, cần phải vui vẻ và thoải mái. Maestro Benjamin xuất hiện tại lớp masterclass trong trang phục quần short, áo hoa hòe, mang giày thể thao trông thoải mái như đi dã ngoại. Ông mang đến nguồn năng lượng mạnh mẽ của sự khai phóng, không khí lớp học cũng bớt căng thẳng. Ông không tiếc những lời ngợi khen thành quả luyện tập của các guitarist trẻ, vừa nhiệt tình góp ý chỉnh sửa, vừa đưa ra những lời khuyên chân thành tạo niềm tin và động lực cho họ phát triển trong tương lai.
4. Festival Friendship Concert
Cũng như các kỳ SIGF trước đây, SIGF 2024 tổ chức buổi hòa nhạc hữu nghị với nhan đề “Festival Friendship Concert” vào cửa tự do, đây là một sân chơi giao lưu văn hóa âm nhạc giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài, là sân khấu để các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng biểu diễn guitar. Chương trình “Festival Friendship Concert” tại SIGF 2024 có điểm khác so với các kỳ trước là trình diễn buổi xế chiều lúc 15:00 giờ, không phải buổi tối như trước. Vì chương trình diễn ra trong giờ hành chính nên khán giả đến xem không nhiều, chỉ có khoảng 65 khán giả, gồm các thân hữu giới guitar cổ điển Việt Nam, bạn bè và người thân của các nghệ sĩ, 3 người quay phim chụp ảnh và một số thành viên Festival Team. Tuy vậy, các nghệ sĩ cũng đã mang đến cho khán giả một buổi hòa nhạc chất lượng. Sự hấp dẫn của buổi hòa nhạc càng tăng lên khi những học trò của Maestro Benjamin Verdery đang học tập tại Trường Âm nhạc Yale biểu diễn tác phẩm tự sáng tác trước khán giả Việt Nam.











Nghệ sĩ New Wadcharin Suksabsri và Trần Quang Huy (Sagobako Duo) chơi tác phẩm Milonga Argentina (Justo Tomás Morales) tại concert Friendship SIGF 2024. Video: Kim Tran.
5. Chương trình hòa nhạc “Young Virtuoso”

5.1. Màn độc tấu của nghệ sĩ trẻ Nutthachai Chaivanich
5.1.1. Tiểu sử Nghệ sĩ trẻ Nutthachai Chaivanich
Nutthachai Chaivanich sinh năm 2009, đến từ Thái Lan, bắt đầu học guitar từ khi 8 tuổi. Năm 2023, Nutthachai làm chấn động giới guitar Việt Nam khi trở thành quán quân cả bảng mở rộng và bảng dưới 18 tuổi tại cuộc thi SIGF 2023.
Theo thông tin trên Fanpage SIGF, Nutthachai Chaivanich đã theo học với các Thầy Prasong Ponin, Yutthasak Komjornkijborworn, Pongpat Pongpradit và Chinnawat Themkumkwan. Nutthachai cũng đã tham gia các lớp học masterclass với Worakarn Saensomboon, Mongching Carpio, Christoph Denoth, Alexander-Sergei Ramirez, Kevin Loh và An Tran. Gần đây nhất, Em đã giành được Giải Nhì Cuộc Thi Guitar Foundation of America (GFA) 2024 Bảng JUNIOR DIVISION.
Nutthachai đã giành được nhiều giải nhất từ các cuộc thi guitar quốc tế tại Châu Á, như:
– Giải Nhất: Bảng Mở rộng “Thailand International Guitar Competition 2023”
– Giải Nhất: Bảng dưới 18 Tuổi “Thailand International Guitar Competition 2023”
– Giải Nhất: Bảng Mở Rộng “Pattaya International Guitar Festival and Competition 2023” (Thailand)
– Giải Nhất: Bảng Mở Rộng “Saigon International Guitar Festival and Competition 2023”
– Giải Nhất: Bảng dưới 18 tuổi “Saigon International Guitar Festival and Competition 2023”
– Giải Nhất: Bảng dưới 18 tuổi Manuel Adalid International Guitar Festival and Competion 2023 (Viet Nam)
– Giải Nhất: Bảng dưới 15 tuổi “TGS Guitar Award 2023” (Thailand)
– Giải Nhất: Bảng dưới 18 tuổi “TGS Guitar Award 2023” (Thailand)
5.1.2. Chương trình biểu diễn độc tấu của Nutthachai Chaivanich tại SIGF 2024
- Leo Brouwer (b.1939) | Danza de las diosas Negras from Rio de los Orishas
Leo Brouwer là một nhà soạn nhạc, người chỉ huy dàn nhạc và nghệ sĩ guitar người Cuba. Ông viết rất nhiều tác phẩm cho guitar, piano và bộ gõ, sáng tác các tác phẩm cho dàn nhạc ballet và nhạc cho hàng trăm bộ phim. Ngoài hoạt động sáng tác, ông đã từng là nhạc trưởng của nhiều dàn nhạc giao hưởng, bao gồm Dàn nhạc hòa tấu BBC , Dàn nhạc giao hưởng Berlin và Dàn nhạc giao hưởng Cordoba ở Tây Ban Nha. Phong cách âm nhạc của ông hướng về các thể loại cổ điển (classical), dân gian (folk), ngẫu nhiên (aleatoric) và vô điệu tính (atonal).
Danza de las diosas Negras from Rio de los Orishas (Điệu nhảy của các nữ thần áo đen ở Rio de los Orishas) là tác phẩm âm nhạc mang đậm phong cách sáng tác ngẫu nhiên và vô điệu tính của Leo Brouwer. “Orishas” chỉ những linh hồn đóng vai trò cơ bản trong tôn giáo Yoruba ở Tây Phi và trong một số tôn giáo của cộng đồng người châu Phi di cư, chẳng hạn như Santeria của Cuba (Quê hương của tác giả) và Puerto Rico và Candomblé của Brazil. Các tôn giáo này cho rằng “Orishas” là những linh hồn được gửi đến từ đấng sáng tạo tối cao “Olodumare”, để hỗ trợ và giáo dục nhân loại trên “Ayé” (Trái Đất). Tác phẩm đưa người nghe vào một thế giới huyền bí, những hợp âm vô điệu tính mang màu sắc sáng tối nối tiếp nhau trong nhịp điệu nhanh chậm ngẫu nhiên, cùng với những câu nhạc chạy nốt nhanh, những âm harmonic tạo một cảm giác xa lạ, mơ hồ.
Nutthachai Chaivanich trình diễn “Danza de las diosas Negras from Rio de los Orishas” (Leo Brouwer) tại SIGF 2024. Video: Luthier Vu Tran.
- Napoléon Coste (1805-1883) | Le Départ Op. 31
Napoléon Coste là một nhà soạn nhạc, một nghệ sĩ guitar cổ điển người Pháp, sống ở thời kỳ Lãng Mạn. Âm nhạc của ông mềm mại, nhẹ nhàng, quyến rũ, mang đậm chất thơ. Ông nổi tiếng với màn trình diễn đàn guitar 7 dây và các loại harp guitar.
Năm 1856, một cuộc thi được mở ra tại Brussels bởi ông De MAKAROFF, Lãnh chúa Nga cao quý, và tất cả các nghệ sĩ guitar ở Châu Âu đều được mời tham gia. Napoléon Coste là người chiến thắng duy nhất trong cuộc thi châu Âu này. Tác phẩm thắng cuộc có nhan đề Le Départ Op.31 (Chuyến khởi hành, trong tập tác phẩm số 31) là một tác phẩm lớn hình thức fantasie viết cho guitar độc tấu với thời lượng hơn 8 phút, gồm hai phần Introduction (Dẫn nhập câu chuyện “Chuyến khởi hành” – Le Départ) và Retour (Sự trở về). Âm nhạc lãng mạn bi tráng, mở đầu bằng một chuyến đi lặng lẽ không hẹn ngày về, để lại nỗi buồn biệt ly giữa người đi – kẻ ở; kết thúc với tiết tấu “Marche triomphale” (Cuộc hành quân khải hoàn), đó là ngày trở về thắng lợi trong không khí hân hoan của nhịp bước quân hành.
Le Départ Op.31 Nutthachai Chaivanich biểu diễn tại SIGF 2024. Video: Luthier Vu Tran.
Nhận xét: Tôi nhận thấy Nghệ sĩ trẻ Nutthachai Chaivanich có kỹ thuật guitar điêu luyện, tiếng đàn đầy nội lực, kỹ năng biểu diễn tự tin và cuốn hút, một tài năng hiếm có của làng guitar cổ điển thế giới. Riêng cá nhân tôi có một số nhận xét, có thể một số người sẽ ủng hộ tôi hoặc phản bác tôi, mặc dù Nutthachai chơi bài đàn rất sạch sẽ, diễn tấu tác phẩm có hồn, nhưng thiếu ý nhạc. Những chỗ diễn đạt màu sắc lung linh huyền bí của các linh hồn Orishas thì chưa đủ huyền bí, những nốt nhạc buồn bã bi thương trong “Le Départ” thì chưa đủ bi thương, những bước chân hùng tráng của đoàn quân thắng trận thì chưa đủ hân hoan. Tôi nghĩ rằng do nghệ sĩ còn quá trẻ, vốn sống và vốn kiến thức văn hóa, văn học chưa tích lũy đủ để diễn đạt tác phẩm sâu hơn, trong khi những nhạc sĩ tạo ra âm nhạc khi họ đã trải nghiệm và trưởng thành trong cuộc sống.
5.2. Màn song tấu thầy và trò: Pongpat Pongpradit và Nutthachai Chaivanich
5.2.1. Tiểu sử Nghệ sĩ Pongpat Pongpradit
Pongpat Pongpradit tốt nghiệp Khoa Âm nhạc, Đại học Silapakorn và nhận bằng Cử nhân Âm nhạc thứ hai chuyên ngành Guitar cổ điển, khóa học được đào tạo bởi Giáo sư Vithaya Vosbein. Sau đó, anh lấy bằng Thạc sĩ tại College of Music, Đại học Mahidol chuyên ngành biểu diễn âm nhạc (Guitar cổ điển) với sự hướng dẫn của Giáo sư Suvich Klinsmith.
Anh thường xuyên biểu diễn tại Khách sạn Intercontinental (Đường Sukhumvit) và quán rượu và nhà hàng Tây Ban Nha ‘Tapas Y Vino’, Khách sạn Grand Millennium Sukhumvit, thu âm cho quảng cáo truyền hình và điểm phim ‘Secret’ do Jay Chou đạo diễn và biểu diễn.
Pongpat Pongpradit thường được mời tham dự các Liên hoan Guitar Quốc tế và là thành viên của “Trường Âm nhạc Maestro” và giảng dạy tại Đại học Silpakorn, Bangkok. Anh cũng tổ chức và chỉ đạo Liên hoan Guitar Quốc tế Silpakorn, Bangkok và Liên hoan Guitar Quốc tế SEA.
Bên cạnh việc giảng dạy và biểu diễn guitar cổ điển, Pongpat Pongpradit còn chuyển soạn nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng ở nhiều thể loại khác nhau cho đàn guitar cổ điển, trong đó có những nhạc phẩm Việt Nam như Bèo dạt mây trôi (Vietnamese folk song) và Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý) được anh chuyển soạn và gửi tặng cho Khoa Guitar – Nhạc viện TP.HCM.
5.2.2. Chương trình biểu diễn song tấu thầy và trò tại SIGF 2024
Chương trình song tấu chủ yếu là những bản chuyển soạn (transcription/ arrangement) của Pongpat Pongpradit các ca khúc, nhạc phim đương đại được công chúng khắp thế giới yêu thích cho đàn guitar cổ điển.
Sound track “A town with an ocean view” trong phim hoạt hình anime “Howl’s moving castle” được trình bày bởi Nuthachai Chaivanich và Pongpat Pongpradit. Video: Kim Tran.
Tác phẩm nhạc nhẹ “Queen A Tribute to a Queen” được trình bày bởi Nutthachai Chaivanich và Pongpat Pongpradit tại SIGF 2024. Video: Luthier Vu Tran.
5.3. Màn độc tấu của Nghệ sĩ Kasia Smolarek (Ba Lan)
5.3.1. Tiểu sử Nghệ sĩ Kasia Smolarek
Katarzyna Smolarek là một nghệ sĩ guitar cổ điển người Ba Lan, sống ở Salzburg, Áo. Hiện cô là học viên thạc sĩ ở Đại học Mozarteum dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Marco Díaz-Tamayo. Năm 2015, Katarzyna Smolarek đã biểu diễn ra mắt tại Phòng hòa nhạc Witold Lutosławski của Đài phát thanh Ba Lan và kể từ đó, cô duy trì lịch trình biểu diễn thường xuyên và đã biểu diễn ở nhiều quốc gia châu Âu cũng như ở Chile, Brazil, Mexio và Úc.
Trong mùa giải 2018/19, cô tham gia Eurostrings, một chương trình dành cho các nghệ sĩ guitar trẻ tài năng. Cô đã được trao hơn 20 giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Từ năm 2019, Katarzyna Smolarek trở thành nghệ sĩ được Savarez bảo trợ. Năm 2023, Katarzyna Smolarek lần đầu tiên đến Việt Nam tham dự SIGF 2023 với tư cách nghệ sĩ khách mời và giám khảo các bảng thi chuyên nghiệp. Năm 2024, cô trở lại với SIGF với nghệ danh Kasia Smolarek.
Các giải thưởng quan trọng nhất của Katarzyna Smolarek bao gồm:
– Giải Nhất cuộc thi Memphis International Guitar Competition 2021 (Mỹ)
– Giải Nhất cuộc thi Gemona del Friulli International Guitar Competition 2021 (Ý)
– Giải Nhất cuộc thi Wilson Centre Guitar Competition 2020 (Mỹ)
– Giải Nhất cuộc thi Rhode Island Guitar Festival Rising Star Guitar Competition 2020 (Mỹ)
– Giải Nhất cuộc thi Denver International Guitar Competition 2020 (Mỹ)
– Giải Nhất cuộc thi Amarante International Guitar Competition năm 2019 (Bồ Đào Nha)
– Giải Nhất cuộc thi Sanremo International Guitar Festival (Ý) năm 2017
– Giải Nhất cuộc thi Sinaia Guitar Competition (Romania) năm 2017
– Giải Nhì cuộc thi Houston International Guitar Competition (Mỹ) năm 2021
– Giải Nhì cuộc thi Sydney Eistedfodd Guitar Competition (Úc) năm 2016
– Giải Nhì cuộc thi Tampere International Guitar Competition (Phần Lan) năm 2020
– Giải Nhì cuộc thi Plovidiv Guitar Competition (Bulgaria) năm 2020
– Giải Nhì cuộc thi 51st Michele Pittaluga International Guitar Competition en Alessandria (Ý) năm 2018
– Giải Nhì cuộc thi Concurso Musical Dr.Luis Sigall (Chile) năm 2017
– Giải Nhì cuộc thi Salzburg Guitar Fest Competition (Áo) năm 2017
– Giải Nhì cuộc thi International Young Talents Competition in Uppsala (Thụy Điển) năm 2018
– Giải Nhì cuộc thi L. Luthier Contest in Bratislava (Slovakia) năm 2016
– Giải Ba và giải Brouwer cuộc thi International Guitar Competition José Tomás Villa de Petrer (Tây Ban Nha) năm 2021
(Theo SIGF2023_Ebookphone)
5.3.2. Chương trình biểu diễn của Kasia Smolarek tại SIGF 2024
Đến với SIGF 2024, Kasia Smolarek trình diễn một nhạc mục (repertoire) hấp dẫn, trong đó có 3 tác phẩm cô đã trình diễn tại SIGF 2023.
- Niccolò Paganini (1782-1840) | 24 Caprices for Solo Violin Op. 1: No. 6 and 24
Niccolò Paganini là nhà soạn nhạc thiên tài, một nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại nhất mọi thời đại và một nghệ sĩ guitar cổ điển người Ý. Tập Opus No.1 “24 Caprices for Solo Violin” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Paganini, gồm 24 ngẫu khúc sử dụng những kỹ thuật đỉnh cao để khai thác tối đa hiệu quả âm thanh của đàn violin. Vì những hiệu ứng âm thanh ảo diệu và ma mị trong 24 Caprices này mà có nhiều giả thuyết cho rằng Paganini đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đối lấy tài năng. Những khúc Caprices nổi tiếng của Paganini cũng được chuyển soạn cho đàn guitar độc tấu, nhiều nghệ sĩ guitar trình độ bậc thầy thường chọn Caprice No.6 và Caprice No.24 vào nhạc mục biểu diễn quốc tế.
Bản Caprice No.6 có giai điệu buồn da diết, nếu trong nguyên bản violin sử dụng kỹ thuật láy rền và đối âm, thì trong phiên bản chuyển soạn cho guitar cổ điển được đổi thành kỹ thuật hợp âm rải (arpeggios). Nỗi buồn trong giai điệu đối âm giữa bè cao và bè trầm trong bản chuyển soạn cho guitar bị giảm đi rất nhiều so với nguyên bản trên đàn violin, tuy nhiên, phiên bản guitar giúp khán giả cảm thấy dễ chịu hơn, không bị cảm giác đau đớn bởi những quãng nghịch và âm sắc đàn violin mang lại.
Bản Caprice No.24 là tác phẩm nổi tiếng nhất trong 24 Caprice, tác phẩm có giai điệu hấp dẫn, những kỹ thuật luyến láy rất nhanh trên cả nguyên bản gốc trên violin và phiên bản guitar khiến khán giả không thể rời mắt khỏi những ngón tay điêu luyện của nghệ sĩ biểu diễn.
Trích đoạn Capricho No.24 (Paganini) được Kasia Smolarek biểu diễn tại SIGF 2024. Video: Thy Phương.
- Mario Castelnuovo-Tedesco (1895-1968) | Caprichos de Goya
• XII No hubo remedio
• XX Obsequio a el Maestro
Mario Castelnuovo-Tedesco là một nhà soạn nhạc, một nghệ sĩ piano và nhà văn người Ý, thời kỳ Hiện Đại. Ông được biết đến là một trong những nhà soạn nhạc guitar hàng đầu thế kỷ XX với gần một trăm tác phẩm dành cho nhạc cụ này, trong đó, có bản Concerto đầu tiên cho đàn guitar cổ điển vào thế kỷ XX. Nhiều tác phẩm guitar cổ điển của ông được Đại danh cầm huyền thoại Maestro Andrés Segovia lựa chọn làm nhạc mục trong các chuyến lưu diễn khắp thế giới.
Tác phẩm Caprichos de Goya gồm 24 bản Caprices viết cho đàn guitar độc tấu, lấy cảm hứng từ 23 bức tranh và một bản khắc bằng axit của Họa sĩ vĩ đại người Tây Ban Nha, Francisco Goya (1746–1828).
Bản Caprice thứ XII lấy nhan đề từ bức tranh No hubo remedio (It cannot be helped/ Vô phương cứu chữa) của Goya, tác phẩm khởi đầu với âm nhạc huyền bí, những giai điệu sáng rõ dần hiện ra ở giữa tác phẩm, đến cuối tác phẩm thì sự huyền bí xuất hiện và bao trùm không gian.
Bản Caprice thứ XX lấy nhan đề từ bức tranh Obsequio a el Maestro (A gift for the master/ Món quà cho thầy) của Goya, một bức tranh có màu sắc ảm đạm buồn bã, vì vậy âm nhạc cũng mang nỗi buồn nhưng lại bừng lên niềm lạc quan hy vọng.
- Francisco Tárrega (1852-1909) | Fantasía “La Traviata”
Francisco Tárrega là một nhà soạn nhạc, một nghệ sĩ guitar cổ điển và một nhà sư phạm guitar nổi tiếng người Tây Ban Nha, sống vào thời kỳ âm nhạc Lãng Mạn. Ông có công lao phát triển kỹ thuật biểu diễn guitar cổ điển từ những kỹ thuật guitar dân gian phong cách Flamenco.
Fantasía “La Traviata” được Tárrega viết vào năm 1888, tác phẩm kết hợp một số giai điệu nổi tiếng nhất từ vở opera vĩ đại “La Traviata” (Trà Hoa Nữ) của Giacomo Verdi, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc lãng mạn. Fantasia bao gồm năm phần, mỗi phần khám phá một khía cạnh khác về tính thẩm mỹ của nhạc guitar.
- Agustín Barrios Mangoré (1885-1944) | Mazurka Apassionata
Agustín Barrios Mangoré là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ guitar huyền thoại người Paraguay, mặc dù sống trong thời kỳ âm nhạc Hiện Đại nhưng phong cách sáng tác của ông có xu hướng Lãng Mạn. Cả cuộc đời ông chỉ sáng tác âm nhạc cho đàn guitar cổ điển, âm nhạc của ông hiền hòa, êm ái và gợi cảm. Ông bị giới guitar cổ điển dị nghị vì sử dụng dây kim loại để biểu diễn guitar cổ điển (thay cho dây ruột cừu, thời kỳ trước Chiến tranh thế giới II), tuy nhiên, với bàn tay tài hoa của Barrios, cây đàn guitar dây kim loại vẫn vang lên những giai điệu ngọt ngào và ấm áp không kém gì dây ruột cừu.
Mazurka Apassionata (Điệu Mazurka say đắm) có giai điệu trữ tình êm đềm, mang đậm chất thơ. Tác giả sử dụng điệu nhạc Mazurka truyền thống của người Ba Lan làm liên tưởng đến âm nhạc của Chopin, một “nhà thơ trên đàn piano” – người đã viết rất nhiều bản Mazurka quyến rũ cho đàn piano độc tấu. Tác phẩm của Barrios được diễn tấu bằng đàn guitar, với kỹ thuật slice (vuốt dây) đặc trưng, tạo âm thanh lả lướt mà tác giả bị ảnh hưởng bởi âm nhạc Francisco Tárrega.
- Joaquín Turina (1882-1949) | Fantasía Sevillana
Joaquín Turina là một nhà soạn nhạc cho đàn guitar cổ điển người Tây Ban Nha. Ông được khuyến khích sáng tác bởi Đại Danh cầm huyền thoại Andrés Segovia, nhiều tác phẩm của ông được Segovia đưa vào nhạc mục trong những chuyến lưu diễn khắp thế giới. Âm nhạc của Turina rộn ràng, giai điệu hấp dẫn, chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách Flamenco, nhiều tác phẩm của ông chú trọng khai thác chất huyền bí trong âm nhạc dân gian Tây Ban Nha.
Bản Fantasía Sevillana là tác phẩm đầu tiên ông viết cho đàn guitar độc tấu theo đề nghị của Andrés Segovia vào năm 1923. Nhan đề được lấy cảm hứng từ vùng đất và con người xứ Sevilla, có thể dễ dàng nhận ra âm nhạc dân gian Andalusia xuất hiện xuyên suốt tác phẩm.
Tác phẩm Fantasía Sevillana (Turina) được Kasia Smolarek biểu diễn tại SIGF 2024. Video: Thy Phương.
Sau khi chương trình độc tấu của Kasia Smolarek kết thúc, những tràn pháo tay dưới khán phòng kéo dài không ngừng vì màn biểu diễn quá hoàn hảo. Đáp lại tình cảm của khán giả TP.HCM và Việt Nam, Kasia Smolarek đàn tặng khán giả bài Valse No.3 của Agustín Barrios Mangoré, một tác phẩm lãng mạn chất chứa tình cảm nồng ấm của tác giả với cuộc sống, như một lời cảm ơn của nghệ sĩ đối với khán giả.
Trích đoạn Valse No.3 (Barrios) được Kasia Smolarek biểu diễn để cảm ơn khán giả Việt Nam đã ủng hộ. Video: Thy Phương.
5.4. Công bố các thí sinh vào vòng chung kết bảng mở rộng và bốc thăm thứ tự dự thi
Kết quả không quá bất ngờ sau khi Ban tổ chức công bố danh sách 5 thí sinh được chọn vào Vòng chung kết (Final round) – Bảng mở rộng. Họ đều là những thí sinh có kinh nghiệm tham dự nhiều cuộc thi guitar quốc tế và từng đạt được nhiều thành tích cao.
Các thí sinh Han Kyu Ho, Karin Akai, Trần Phan Thuận Nguyên và Patcharaporn Jirasan đều có mặt trên sân khấu khi được gọi tên, riêng thí sinh Vương Quốc Anh vắng vì lý do sức khỏe. Kết quả bốc thăm thứ tự dự thi như sau:

6. Kết luận
Sau khi theo dõi chuỗi hoạt động SIGF ngày 29/8/2024, tôi có những nhận xét sau:
Về vòng loại – bảng mở rộng cuộc thi guitar SIGF 2024, với thời lượng biểu diễn tối đa 12 phút, các thí sinh thể hiện thành quả luyện tập của mình với những tác phẩm trình độ nâng cao, đòi hỏi kỹ thuật diễn tấu rất khó. Để luyện tập được những tác phẩm ấy, nhất định phải là những con người kiên trì với ý chí bền bỉ, không ngừng nỗ lực luyện tập hằng ngày mới có thể biểu diễn trôi chảy như thế. Qua phần thi của 16 thí sinh, có thể nhận thấy thực lực các thí sinh không đều nhau, các thí sinh có nhiều kinh nghiệm dự thi quốc tế và được học nhiều buổi masterclass với các danh cầm trên thế giới sẽ có trình độ vượt trội hơn hẳn so với các thí sinh khác. Có một vài thí sinh bị quên bài lúc đang diễn tấu, nguyên nhân là không nắm rõ hòa âm của tác phẩm, nếu chỉ chăm chú vào học những thế bấm mà quên mất giai điệu bản nhạc, không được xướng âm giai điệu trong đầu, thì khi gặp những không gian căng thẳng như cuộc thi hoặc diễn trên một sân khấu quá đông khán giả sẽ bị quên bài ngay. Ngoài ra, các vấn đề về lỗi kỹ thuật ở tay phải và tay trái cũng là rào cản ngắn trở việc diễn tấu ý nhạc theo mong muốn. Đồng thời, việc không tìm hiểu về văn hóa âm nhạc vùng miền, cũng như phong cách sáng tác của tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tư tưởng triết lý của tác phẩm cũng là nguyên nhân làm các thí sinh hiểu và diễn đạt sai ý nhạc. Vì vậy, mỗi người chơi đàn phải cẩn trọng khi tiếp cận một tác phẩm âm nhạc mới, việc luyện tập một ngày 8 giờ đến 10 giờ không phải chỉ chăm chú làm việc với các nốt nhạc, mà còn tất cả mọi vấn đề xung quanh tác phẩm.
Về buổi masterclass hạng mục hòa tấu của Tiến sĩ Benjamin Verdery, tôi đánh giá là một buổi học thú vị và vô cùng bổ ích. Ngài Benjamin Verdery là một người Mỹ chính hiệu, từ phong cách ăn mặc, nói chuyện phóng khoáng đến tư duy âm nhạc cởi mở, đầy ngẫu hứng sáng tạo. Khá đối lập với người Việt Nam, khi chơi đàn thì luôn bị gò bó trong khuôn khổ bài vở, khi lên sân khấu biểu diễn phải mặc lễ phục trang trọng, khi giảng dạy thì ngại khen chê trước mặt đông người. Nhưng khi tiếp xúc với phong cách giảng dạy của Maestro Benjamin Verdery, tôi nhận thấy đó là một nhà sư phạm đích thực, một con người có tính cách rõ ràng, khen hay chê trước đông người đều có lý lẽ thuyết phục, sau khi chê thì đưa ra phương pháp giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Phong cách giảng dạy của Ngài Benjamin làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của một nhà văn người Mỹ khác tên William Arthur Ward: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Sau buổi masterclass với Maestro Benjamin Verdery, tôi cảm thấy được nhận một nguồn năng lượng tươi mới làm phấn chấn tinh thần, tôi cảm thấy cây đàn guitar thật đáng yêu, như một người bạn không bao giờ gian dối. Phải chăng đây chính là “cách truyền cảm hứng” mà William A. Ward đề cập đến?
Về chương trình hòa nhạc Friendship Concert, mặc dù tiết mục nào cũng hay, nhưng những học sinh của Benjamin Verdery đến từ Yale School of Music mang lại một nếp văn hóa biểu diễn âm nhạc ấn tượng chưa từng có ở Việt Nam. Tất cả họ đều có điểm chung là cách biểu diễn rất vững chắc, tự tin và chính xác, sự tự tin ấy bắt nguồn từ những nỗ lực rèn luyện chăm chỉ về kỹ thuật, về kiến thức âm nhạc, kiến thức khoa học, kiến thức xã hội. Tôi hình dung là phải tích lũy đủ mọi điều kiện cần và đủ mới có thể tự tin đến như vậy. Ấn tượng thứ hai là họ biểu diễn trên sân khấu những bản nhạc mới, những tác phẩm tự sáng tác, đây là hành động bị xem là “chơi trội” không được các giảng viên ở Việt Nam khuyến khích thực hiện. Dù còn nhiều rào cản về văn hóa, nhưng tôi hy vọng trong tương lai ở Việt Nam sẽ khuyến khích cách học sinh ngành biểu diễn sáng tạo âm nhạc, vì năng khiếu âm nhạc không dừng lại ở kỹ năng biểu diễn mà còn nằm ở sự sáng tạo âm nhạc và tư duy lý luận phê bình nghệ thuật.
Về chương trình hòa nhạc Young Virtuoso, những người biểu diễn chính trong đêm nhạc là những nghệ sĩ trẻ tuổi với kỹ thuật biểu diễn điêu luyện cùng tiếng đàn đầy nội lực, họ từng đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi guitar quốc tế. Tôi nhận thấy rằng, tài năng phải được phát hiện từ nhỏ, được nuôi dưỡng và “chăm sóc” đúng cách mới đạt hiệu quả vượt trội ở tầm quốc tế, điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, môi trường phát triển và được truyền cảm hứng từ những người thầy tốt cả tâm lẫn tài.
Để lại một phản hồi